Doanh nghiệp ngày càng bí mật thu nhập

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, hiện nay khi tuyển dụng lao động các đơn vị hay đưa ra yêu cầu nhân viên phải ký cam kết không tiết lộ thu nhập cho bên thứ ba, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng hay các doanh nghiệp có vốn nước ngoài trả lương cao.

“Vấn đề này liên quan đến Luật Lao động. Những doanh nghiệp này càng ngày càng bí mật thu nhập của nhân viên. Lãnh đạo không biết lương nhân viên, nhân viên cũng không biết lương lãnh đạo”, ông Đức nói.

giữ bí mật thu nhập và khoản thuế của cá nhân, doanh nghiệp có đúng luật?

Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp yêu cầu nhân viên giữ bí mật thu nhập. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên theo luật sư Trương Thanh Đức, khi đến kỳ kê khai và quyết toán thuế, ít nhất doanh nghiệp cần có bản thống kê các khoản thu nhập đầu vào, số thuế phải nộp, thuế đã tạm thu trong năm, số thuế còn phải nộp hoặc số thuế hoàn nếu có và thông báo cho nhân viên để họ nắm được.

“Đến cuối năm khi thực hiện kê khai quyết toán thuế, các công ty khi thông báo cho nhân viên cũng phải công khai thu nhập và thuế cho dù không có quy định nào yêu cầu”, luật sư Đức cho biết.

“Nhân viên thay vì ngồi cộng thủ công từng đồng cũng ra con số chính xác nhưng ai làm thế trong khi có thống kê sẵn của đơn vị. Thông báo các khoản thu nhập, các khoản thuế phải nộp cho nhân viên cũng là để nhân viên kiểm tra thu nhập có tính đúng tính đủ không, số thuế phải nộp có chính xác hay không, có thừa thiếu hay không. Đây là quyền lợi chính đáng của người lao động”, Giám đốc luật ANVI cho hay.

Bởi ông Đức cho biết, khách hàng của các ngân hàng còn được yêu cầu ngân hàng sao kê trong khoảng thời gian tận 10 năm khi trả phí theo quy định. Còn cơ quan hay doanh nghiệp "nỡ lòng nào" đặt vấn đề thu phí khi thống kê thu nhập và thuế cho nhân viên.

Còn đối với vấn đề công khai thu nhập của cá nhân với bên thứ ba ông Đức cho biết hiện vẫn còn tranh cãi.

Thuế càng công khai thì càng bớt gian lận

Còn với doanh nghiệp, theo ông Đức thì càng phải công khai rộng rãi để người dân giám sát về doanh thu và số thuế nộp. Trên cơ sở đó để biết doanh nghiệp nào kinh doanh tử tế, doanh nghiệp nào không, doanh nghiệp có thực hiện đủ nghĩa vụ với ngân sách hay không.

“Nhưng nay có vẻ cứ đề cao bí mật. Ngay cả công bố các doanh nghiệp nộp thuế cao nhất năm cũng vậy. Cao là bao nhiêu thì phải nói để còn tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách”, luật sư Trương Thanh Đức nói và cho rằng việc công khai số thuế là cần thiết để người dân biết, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán biết. “Công nghệ nào, nguồn nhập hàng ở đâu… mới là bí mật chứ số thuế nộp thì bí mật làm gì. Thuế càng công khai thì càng bớt gian lận”, luật sư Đức nói.

Trong các sắc thuế doanh nghiệp nộp theo nghĩa vụ, luật sư Trương Thanh Đức cũng lưu ý phải phân biệt rõ ràng. “Thuế có nhiều loại: Thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), tiêu thụ đặc biệt… nhưng với quan điểm kinh tế, quan điểm tài chính và quan điểm của nhà nước thì đâu mới là đóng góp về thuế của doanh nghiệp? Ví dụ, doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu bán cả triệu lít xăng thì nộp thuế VAT cực kỳ nhiều. Nhưng đó có phải thành tích của doanh nghiệp không? Không!”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định vì thuế VAT là do người tiêu dùng phải nộp và doanh nghiệp chỉ đứng ra thu hộ cho ngân sách.

Còn với doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bao nhiêu mới là chính, còn thuế khác như thuế VAT, thuế tài nguyên, hay nộp tiền quyền sử dụng đất… không phải tiêu chí đánh giá chính.

“Thậm chí còn phải đánh giá ngược lại là doanh nghiệp nào làm hại bao nhiêu cho môi trường, thiệt hại bao nhiêu tài nguyên…”, Giám đốc ANVI nói.

Nên xét theo một khía cạnh nữa, ông Đức cho rằng, công khai minh bạch sẽ góp phần chống gian lận và chống tham nhũng vì có công khai mới có cơ sở để giám sát; Tương tự như công khai thu nhập của công chức nhà nước.

(Theo Báo Giao Thông)

Đủ chiêu 'né' thuế chuyển nhượng bất động sản

Đủ chiêu 'né' thuế chuyển nhượng bất động sản

Hiện nay, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế để trốn thuế.