Tạo điều kiện để người dân sở hữu biển số đẹp
Đấu giá biển số xe là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ do Bộ Công an chủ trì biên soạn.
Tại khoản 3 Điều 47 quy định về cấp biển số xe cơ giới, đơn vị soạn thảo đã đưa ra nhiều phương án cho người dân lựa chọn để có thể sở hữu biển số xe thay vì phương án duy nhất là “bấm biển” như hiện nay.
Trong đó, việc tạo điều kiện để người dân sở hữu biển số xe đẹp thông qua đấu giá, chủ phương tiện sẽ có đầy đủ các quyền về tài sản bao gồm quyền sử dụng, chiếm hữu và định đoạt cho biển số xe mà mình sở hữu. Chủ phương tiện có thể giữ lại biển số ngay cả khi bán xe.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, để đảm bảo khách quan, minh bạch trong quá trình đấu giá biển số xe ô tô, Bộ Công an đã đề xuất việc đấu giá biển số xe sẽ do công ty đấu giá độc lập đảm nhiệm và người tham gia sẽ đấu giá trên mạng và không mất phí.
“Việc đấu giá sẽ do một công ty có uy tín, kinh nghiệm đảm nhiệm, còn lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát quá trình thực thi”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Đánh giá về đề xuất đấu giá biển số xe cũng như những quy định về phương thức thực hiện mà Bộ Công an đưa ra, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định đây là cách làm tiên tiến và có tính khả thi cao.
Đặc biệt, đấu giá biển số xe sẽ góp phần giải quyết nhiều bất cập trong công tác cấp biển số xe ô tô hiện nay cũng như giúp ngân sách Nhà nước có thêm nguồn thu.
Đây cũng là điều cấp thiết cần làm để “gỡ khó” khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành quy định cấm mua, bán biển số xe khiến cho những năm qua, việc lựa chọn và mua bán biển số xe chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
Tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ đã sửa đổi theo hướng chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá như đề xuất trong dự thảo Luật là hoàn toàn hợp pháp.
Người dân có thể công khai đấu giá để sở hữu biển số đẹp hoặc biển số theo ý thích của mình |
Trên thực tế, ngay từ khi quản lý phương tiện bằng biển số thì nhiều người đã mong muốn được sở hữu một biển số đẹp hoặc ít nhất là “không xấu”, đây là nhu cầu chính đáng của người dân. Nhiều năm qua, không thiếu những trường hợp phải dùng tiền hoặc quan hệ để “đi ngầm” với mong muốn có được biển số đẹp.
Do vậy, khi “cởi trói” được chính sách này, nhiều người hy vọng sẽ sở hữu được biển số theo ý thích một cách công khai, minh bạch. Còn ngân sách Nhà nước mỗi năm có thể được tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng nhờ đấu giá biển số.
Cần có giải pháp đồng bộ, chặt chẽ
Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học Giao thông vận tải cho rằng: “Việc đấu giá biển số đẹp là chủ trương đúng đắn giúp tăng thu ngân sách và thêm cơ hội sở hữu biển số đẹp cho đông đảo người dân nhưng quá trình thực hiện cần phải công khai, minh bạch”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, cần tính toán đến những hệ luỵ xã hội có thể gặp phải từ việc đấu giá biển số xe như: Tâm lý ăn thua, trào lưu sính số đẹp,…
“Nếu mất tiền để được sở hữu số đẹp, vậy liệu có thể mất tiền để tránh số xấu hay không?, GS.TS Từ Sỹ Sùa đặt vấn đề.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc đấu giá biển số xe ô tô nên thực hiện từ nhiều năm trước chứ không phải đến tận bây giờ mới đưa ra đề xuất vì cách làm này đã được các nước tiên tiến trên thế giới làm từ lâu.
Theo ông Liên, quan niệm về biển số xe đẹp và nhu cầu sở hữu biển số xe đẹp rất phổ biến trong văn hóa của người Á Đông, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, nhu cầu này đã phát triển thành trào lưu ngay từ khi những phương tiện cơ giới gắn biển số đầu tiên xuất hiện tại nước ta.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích, cấp biển số xe ô tô qua phương thức đấu giá sẽ mang đến lợi ích kép. Thứ nhất là hạn chế được những tiêu cực và bất cập trong công tác cấp biển số xe.
Với nhu cầu sở hữu biển số đẹp vốn rất lớn mà việc cấp biển lại thực hiện qua hình thức bấm ngẫu nhiên như hiện nay sẽ không tránh khỏi những trường hợp “ém” biển để cấp riêng cho những “mối quen” hoặc những người chấp nhận chi trả thêm tiền ngoài quy định.
“Đây chính là nguồn gốc nảy sinh tiêu cực, thậm chí là lợi ích nhóm trong công tác cấp biển số xe hiện nay. Nếu đem biển số ra đấu giá, câu chuyện này sẽ chấm dứt” – ông Bùi Danh Liên nhận định.
Lợi ích thứ hai chính là tăng thu ngân sách cho Nhà nước. Ông Liên cho rằng, nếu cách làm này được triển khai từ nhiều năm trước thì ngân sách Nhà nước đã được bổ sung hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
“Việc để cho một đơn vị độc lập thực hiện như đề xuất của Bộ Công an là đúng đắn. Ngoài ra, việc đấu giá biển số thực hiện qua mạng cũng sẽ giúp hạn chế tiêu cực. Quan trọng nhất là phải đảm bảo tất cả quá trình đấu giá phải diễn ra công khai, minh bạch dưới sự giám sát của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn người dân”, ông Bùi Danh Liên chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy thì việc quan trọng nhất là tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình triển khai.
Có ba “kho số” để người dân lựa chọn bao gồm: Kho số đẹp, kho số theo tùy chọn và kho số ngẫu nhiên. Đối với kho số đẹp và kho số tùy chọn, người dân bắt buộc phải đấu giá để sở hữu.
Kho số đẹp sẽ bao gồm những biển số có định dạng đặc biệt như: 5 số giống nhau (aaa.aa); 4 số giống nhau (abb.bb, aaa.ab…); 3 số giống nhau (aaa.bb, abc.cc,…); số tiến; số lặp, số đối xứng… Những số thuộc kho số này được đăng công khai ở nơi đăng ký xe và trên các cổng dịch vụ trực tuyến để tiến hành đấu giá.
Đối với những biển số theo sở thích (ngày sinh, năm sinh, số theo phong thủy…), nếu chủ phương tiện có nhu cầu sẽ được chuyển vào kho số tùy chọn và cũng tiến hành đấu giá theo quy định.
Hoàng Hiệp
Bạn có ý kiến gì nếu quy định cho phép đấu giá biển số đẹp đi vào thực tế? Hãy chia sẻ bài viết về góc nhìn của mình tới Ban Ô tô xe máy qua email: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Học lái xe xong, bằng "cất tủ", ra đường có an toàn?
Người ít lái xe sẽ rất dễ “ngợp” khi ra đường, dẫn đến chân tay lóng ngóng, phản xạ kém, mất an toàn. Thực tế là vậy nhưng để quản lý “số đông” này không phải là chuyện dễ.