Mặc chiếc áo phong cách Ảrập màu đỏ tía và chiếc quần sóc tối màu, Ahmad Junaedi (31 tuổi) thở dài miêu tả về cuộc sống buồn tẻ của anh, khi gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria vào năm ngoái.
TIN BÀI KHÁC:
Ahmad Junaedi. (Ảnh: Jakarta Post) |
"Nó hoàn toàn không giống như tôi hình dung. Ngay khi tôi tới nơi và thực hiện nhiệm vụ của mình, tôi đã cảm thấy tôi chẳng làm gì để giúp ích cho ai cả", anh nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Jakarta Post tối 31/3 tại một khách sạn ở Depok, Tây Java.
Junaedi, cùng với Helmi Muhammad Alamudi và Abdul Hakim Munabari, đã bị bắt tại Malang, Đông Java vào tuần trước sau khi trở về từ Syria.
Anh là công dân Indonesia đầu tiên sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình khi tham gia IS.
Junaedi, trước đó từng liên quan tới các tổ chức Hồi giáo Muhammadiyah và Jamaah Ansharut Tauhid (JAT), cho biết người đầu tiên tiếp cận với anh là Salim Mubarok Attamimi vào đầu năm ngoái. Nhân vật này còn được biết tới với cái tên Abu Jandal al Yemeni al Indonesia.
Salim, người từng nổi danh với việc xuất hiện trong một đoạn video chế nhạo hàng rào phòng vệ của Indonesia, đã nói với Junaedi rằng anh sẽ được sống trong một Vương quốc Hồi giáo và sẽ là một phần trong nỗ lực nhân đạo để giúp đỡ những người Hồi giáo Sunni đang bị áp bức tại Syria.
Junaedi cho biết, anh cảm thấy có nghĩa vụ đạo đức mạnh mẽ, để bảo vệ những đạo hữu của mình.
"Tôi cũng đã bị cám dỗ bởi lời đề nghị của Salim sẽ trả hết nợ cho chúng tôi. Anh ta nói rằng, tất cả những món nợ của chúng tôi sẽ được thanh toán và chúng tôi sẽ được trả một số tiền lớn, như phần lương của mình," anh nói.
"Anh ta không nói cụ thể là bao nhiêu, nhưng anh ấy khiến tôi nghĩ sẽ có rất nhiều tiền".
Mặc dù toàn bộ chuyến đi đều do Salim chi trả, nhưng Junaedi thấy hành trình tới Syria vô cùng khó khăn. Anh chàng bán hàng rong này đã bỏ lại vợ và 4 đứa con ở Malang, để cùng với 19 người khác, bao gồm cả Salim, đến Jakarta, Kuala Lumpur (Malaysia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Sau đó, họ đã ngồi xe buýt 18 tiếng đồng hồ để tới thành phố Gaziantep, biên giới với Syria và gặp một người đàn ông Syria. Người này đã đưa họ vượt biên trái phép bằng đường bộ.
"Chúng tôi đã ở trong một túp lều chỉ toàn người Indonesia trong 24 ngày và chúng tôi được giới thiệu về vũ khí, được dạy học thuyết Hồi giáo và khuyến khích chạy bộ vào buổi sáng", anh nói.
Những người đàn ông nhanh chóng được chuyển tới một trại khác. Họ gặp hàng chục người đàn ông tới từ nhiều quốc gia, và họ được dạy về những kỹ năng khác. Tại đây, họ sẽ được tuyển chọn để trở thành các chiến binh IS.
Junaedi nói rằng, anh chưa bao giờ nghĩ anh sẽ là một phần trong đội ngũ phòng vệ của IS, nhưng anh cũng cảm thấy nhiệm vụ bảo vệ ngôi làng Harari, một ngôi làng nhỏ ở đông Al-Bab tại Syria của anh là vô cùng đơn điệu, chán ngắt và khác xa những gì anh tưởng tượng về việc anh sẽ giúp đỡ bà con Hồi giáo.
"Tôi thừa nhận rằng, tôi cảm thấy phát ốm và mệt mỏi về mọi thứ. Khi tôi gọi cho vợ tôi một tháng một lần, cô ấy luôn hỏi tôi rằng khi nào tôi về nhà, vì cô ấy biết tôi muốn như vậy", anh nói.
Junaedi và 11 người đàn ông khác có một ca trực bảo vệ thành phố kéo dài hai tiếng mỗi ngày và chỉ được trang bị những khẩu AK-47. Thời gian còn lại thường là đọc kinh Coran một mình hoặc với những người khác. Anh nói rằng, họ rất thiếu thông tin và chỉ có thể gọi điện cho gia đình một tháng một lần từ Al-Bab.
Những người đàn ông cũng phải tự nấu ăn và lau dọn chỗ ở. Đó là một ngôi nhà có một nền xi măng và không có điện nhưng có đủ vật dụng sinh hoạt cần thiết. Trong nhà có 12 người sống chung.
"Trong suốt 2 tháng rưỡi ở Harari, chúng tôi chỉ bị quân chính phủ tấn công một lần. Các lực lượng vũ trang IS được lệnh chiến đấu và họ lấy vũ khí của chúng tôi rồi bảo chúng tôi trốn đi", anh kể lại.
Junaedi chỉ được trả 8.000 đồng bảng Syria (khoảng 42,34USD) một tháng và được thưởng 24.000 bảng Syria (127USD) trong dịp Năm mới của người Hồi giáo.
Anh và Syahrial, một đồng hương Indonesia, đã có đủ tiền sau 5 tháng ở Syria và yêu cầu được trở về nhà ba lần. Họ chỉ được cho phép vào tháng 9 năm ngoái, sau khi hứa rút lại lời thề với IS và không bao giờ trở lại Syria, nếu không họ sẽ bị giết vì làm gián điệp.
Sự thất vọng của Junaedi vẫn chưa chấm dứt sau khi anh trở về nhà. Không chỉ phải tự trả tiền cho hành trình tới Malang, anh còn phát hiện không có khoản nợ nào của mình được trả như đã hứa hẹn.
"Khi tôi trở về nhà ở Malang, tôi được được yêu cầu trả toàn bộ chi phí cho chuyến đi tới Syria, khoảng 20 triệu Rupiah (1.535USD). Tôi từ chối thanh toán vì trước không ai yêu cầu tôi phải trả khoản tiền này", anh nói, và cho biết anh chỉ còn lại 250USD khi trở về.
Junaedi trầm ngâm một lát, khi được hỏi liệu anh sẽ khuyến khích những người khác tới Syria hay không. "Hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định tới Syria, đừng quá vội vàng", anh nói.
Sầm Hoa