Reuters trích dẫn lời các cố vấn của ông Trump tiết lộ, lãnh đạo Nhà Trắng đang tìm kiếm các giải pháp nhằm truyền tải thông điệp và đảo ngược tình thế khi đối thủ Dân chủ Joe Biden đang tạm dẫn trước ông về tỷ lệ ủng hộ của cử tri tại những bang chiến địa.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Đội ngũ trợ lý đã thảo luận về khả năng tổng thống sẽ có một bài phát biểu trước quốc gia trong khi lên lịch về một bài phát biểu khác của ông trước các cử tri quan trọng vào ngày 8/10 (giờ Mỹ), một ngày sau khi Phó tổng thống Mike Pence có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với nữ "phó tướng" của ông Biden - bà Kamala Harris tại thành phố Salt Lake.

Sóng gió bủa vây

Theo các trợ lý, Tổng thống Trump tỏ ra mất kiên nhẫn, muốn trở lại ngay với hoạt động tranh cử và khăng khăng sẽ tranh luận với ứng viên Dân chủ vào ngày 15/10 tại Miami. Tuy nhiên, ông Biden hôm 6/10 quả quyết sẽ không tham gia trận so găng này nếu tổng thống vẫn còn dương tính với virus.

Bất kỳ sự thúc đẩy chính trị nào mà ông Trump có thể nhận được từ một đợt bơm tiền hỗ trợ mới nhằm giúp người dân Mỹ chống chịu với cơn khủng hoảng vì dịch bệnh, dường như nằm ngoài tầm với sau khi ông ngày 6/10 đột ngột chấm dứt đàm phán với phe Dân chủ. Hai bên vẫn bất đồng sâu sắc về số tiền cần chi ra cho chương trình và không thể đạt thỏa thuận.

Cả ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Quốc hội đều cáo buộc ông Trump bỏ rơi những người Mỹ túng thiếu. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins, chính khách đang đối mặt với cuộc chạy đua tái đắc cử cam go tại bang quê nhà Maine, gọi động thái của tổng thống là "sai lầm lớn".

Song, với tình trạng sa thải lao động trong các ngành công nghiệp then chốt ngày càng tăng, đe dọa sự phục hồi mong manh của nền kinh tế, vào cuối ngày 6/10, lãnh đạo Nhà Trắng đã thúc giục quốc hội nhanh chóng thông qua gói tài trợ 25 tỷ USD dành cho các hãng hàng không thương mại, 135 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ và các tờ séc 1.200USD hỗ trợ cho mỗi công dân Mỹ. "Tôi sẵn sàng ký ngay bây giờ", ông Trump nhấn mạnh trên Twitter.

Đương kim tổng thống cũng có thể gặp khó khi cố gắng thúc đẩy Thượng viện dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa phê chuẩn Thẩm phán Amy Coney Barrett vào tòa án tối cao, khi có tới 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa mắc Covid-19 và có khả năng không thể tham gia bỏ phiếu.

Tổn hại

Làn sóng lây nhiễm virus giữa các quan chức hàng đầu và trợ lý văn phòng báo chí ở Nhà Trắng đã khiến khu Cánh Tây điêu đứng. Trường hợp lây nhiễm mới nhất xảy ra hôm 6/10 khi Stephen Miller, người chắp bút diễn văn chính cho tổng thống thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Hãng tin ABC thống kê số ca bệnh liên quan đến Nhà Trắng hiện là 23 người, bao gồm cả Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Melania Trump.

Một số nhà quan sát nhận định, ông Trump dường như đã cố gắng biến việc nhiễm virus thành lợi thế chính trị, tạo ra sự kiện xuất viện thu hút đông đảo sự chú ý hồi đầu tuần này và cởi bỏ khẩu trang trước máy quay khi trở lại Nhà Trắng.

Lãnh đạo chính phủ Mỹ khắc họa bản thân như một người đã chiến thắng bệnh tật và tái xuất mạnh mẽ hơn. "Đừng sợ Covid. Đừng để nó thống trị cuộc sống của các bạn", ông Trump nhấn mạnh trong một thông điệp gây nhiều tranh cãi và bị đông đảo chỉ trích hôm 5/10.

Tuy nhiên, cách ông Trump ứng phó với đại dịch kể từ thời điểm bùng phát hồi đầu năm nay đã vấp phải sự hoài nghi của một bộ phận không nhỏ người dân Mỹ. Những người chỉ trích nói với các chuyên gia thăm dò dư luận rằng, Tổng thống đã coi nhẹ hiểm họa, chưa bao giờ hành động đủ để đánh bại dịch bệnh và cũng không bày tỏ sự đồng cảm với hơn 210.000 bệnh nhân đã thiệt mạng.

Các cố vấn tiết lộ, ông Trump muốn đề cập đến những vấn đề khác thay vì Covid-19 vào giai đoạn này của chiến dịch vận động tranh cử, nhằm gây áp lực với đối thủ Biden. Tuy nhiên, việc bản thân ông và các trợ lý Nhà Trắng nhiễm bệnh, đồng nghĩa virus đã tìm được cách luồn lách tấn công vào một trong những tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, khiến đại dịch trở lại tâm điểm chú ý.

Việc người đứng đầu Nhà Trắng vắng mặt trong các hoạt động vận động tranh cử trực tiếp cũng ít nhiều gây tổn hại cho ông. Tổng thống Trump từng lên lịch đi tới một loạt bang miền tây trong tuần này nhằm tăng hàng triệu USD quyên góp cho chiến dịch tranh cử của mình, trong bối cảnh đối thủ đang hứng "mưa tài trợ" sau trận so găng đầu tiên tối 29/9. Hiện các sự kiện này đều bị hủy hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến.

Cơ hội tái cử

Một cố vấn lưu ý, cách đây gần 4 năm, vào năm 2016, sóng gió cũng từng bủa vây chiến dịch tranh cử của ông Trump khi cuốn băng ghi âm "Tiếp cận Hollywood", trong đó ông có nói về chuyện tiếp cận phụ nữ, bị rò rỉ và gây dậy sóng dư luận. Song, ông Trump rốt cuộc đã vượt qua các thách thức thành công và giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm đó.

Vị cố vấn nói, ông Trump là người có tài lội ngược dòng ngoạn mục. Tuy nhiên, do bản thân bị mắc kẹt ở Nhà Trắng vì nhiễm mầm bệnh nguy hiểm, giữa lúc các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ tín nhiệm dành cho đương kim tổng thống sụt giảm 2 con số, còn đối thủ Biden tiếp tục gia tăng khoảng cách dẫn trước ở nhiều bang chiến địa, nên ông Trump có thể sẽ phải vượt qua những trở ngại chưa từng thấy trên đường đua tái cử.

Do đó, cách ông Trump đương đầu với các thách thức trong giai đoạn chót này có thể quyết định việc ông có thể giành thêm nhiệm kỳ 4 năm lãnh đạo nước Mỹ nữa hay không.

Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tuấn Anh

Ai thắng trong trận so găng Trump-Biden đầu tiên?

Ai thắng trong trận so găng Trump-Biden đầu tiên?

Giới quan sát đánh giá, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiểm soát cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với đối thủ Joe Biden. Song, điều đó không có nghĩa ông đã thắng trận so găng này.

Hé lộ yếu tố làm nên 'sức mạnh ngôn từ' của ông Trump

Hé lộ yếu tố làm nên 'sức mạnh ngôn từ' của ông Trump

Sức mạnh ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nằm ở đâu? Và ông đã vận dụng những yếu tố nào để phát huy khả năng này?