Các hãng thông tấn lớn trên thế giới ngày 23/2 đồng loạt đưa tin: Người Mỹ tin báo chí hơn tin Tổng thống Donald Trump.
Theo hãng tin NPR, một cuộc khảo sát của Đại học Quinnipiac cho kết quả, có tới 52% số cử tri đăng ký bỏ phiếu nói họ tin truyền thông hơn tin Tổng thống trong việc nói ra "sự thật về các vấn đề quan trọng". Chỉ 37% chọn Trump.
Tổng thống Trump nói truyền thông là "kẻ thù của người dân Mỹ". (Ảnh: NPR) |
Và một câu chuyện gây chú ý khác liên quan: Trump nổi tiếng ghét báo chí chính thống. Ông thậm chí gọi truyền thông là "kẻ thù của nhân dân Mỹ". Và cuộc khảo sát chứng tỏ "người dân" đang quay lưng lại với Trump.
Nhưng mới chỉ 5 ngày trước đó, báo chí lại chạy dòng tít khác: "Thăm dò: Trump vượt truyền thông về tín nhiệm của cử tri". Thông tin này bắt nguồn từ kết quả một thăm dò của Fox News, theo đó 45% người Mỹ tin chính quyền Trump hơn so với các phóng viên tin tức trong việc "báo cho công chúng biết sự thật".
Có phải một cuộc thăm dò đúng còn một cuộc thăm dò sai? Điều gì đã xảy ra?
Không có gì khác biệt ở kiểu người tham gia khảo sát. Cả hai đều hỏi ý kiến của "các cử tri đăng ký bỏ phiếu". Cả hai đều dùng cùng biện pháp lấy ý kiến: gọi điện trực tiếp cả bằng máy bàn và di động.
Và hai hãng thăm dò đều rất uy tín. Quinnipiac được điểm A- trong hệ thống tín nhiệm khảo sát của FiveThirtyEight. Fox News nhận điểm A.
Vậy, kết quả khác nhau có thể là bởi các yếu tố:
Hai cuộc thăm dò đặt ra cùng một vấn đề chung là "Trump hay truyền thông" nhưng theo hai cách khác nhau. Fox News hỏi "Các bạn tin ai nói cho công chúng sự thật - chính quyền Trump hay các phóng viên đưa tin về chính quyền?". Quinnipiac hỏi: "Các bạn tin ai nói cho mình biết sự thật về các vấn đề quan trọng hơn: Tổng thống Trump hay truyền thông?".
Do đó, có thể mọi người tin "chính quyền Trump" như một tổng thể hơn là tin cá nhân Tổng thống Trump. Tương tự, họ có thể cảm thấy tin "truyền thông" hơn khi nghĩ về cá nhân "các phóng viên đưa tin về chính quyền".
Hoặc có chút khác biệt giữa "nói cho các bạn biết sự thật về các vấn đề quan trọng" như trong câu hỏi của Quinnipiac và "nói cho công chúng biết sự thật" trong câu hỏi của Fox News.
Bên cạnh đó là yếu tố thời gian. Có thể các sự kiện diễn ra từ 11-13/2 khi Fox News tiến hành khảo sát, và 16-21/2 khi Quinnipiac làm thăm dò đã khiến cho ý kiến của một số cử tri thay đổi.
Chẳng hạn, thăm dò của Fox News chứng tỏ sự tín nhiệm cao hơn dành cho Donald Trump vì bê bối của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn chưa bị phơi bày. Ông này từ chức ngày 13/2 và thăm dò của Quinnipiac được thực hiện sau đó cho kết quả cử tri tín nhiệm truyền thông hơn.
Theo NPR, dù kết quả thăm dò thế nào thì Tổng thống Mỹ và truyền thông hiện nay đang được coi là "đối thủ" của nhau. Sự kình địch về đảng phái cũng gia tăng. Đảng Cộng hòa tin Trump hơn, còn Đảng Dân chủ tin truyền thông hơn. Điều đó có nghĩa là các hãng thăm dò sẽ phải "đọ sức" với nhau rất quyết liệt.
Thanh Hảo