Ngày 14/9/1941, trong một bức điện khẩn gửi về trung tâm, nhà tình báo chiến lược R. Zorghe - được Tổng cục Tình báo quân sự (GRU) cài cắm từ lâu ở Nhật Bản - đã thông báo rằng nước Nhật quân phiệt sẽ không tấn công Liên Xô. Tin này đã cho phép Bộ Tổng tư lệnh quân đội Xô-viết đưa 40 sư đoàn lục quân từ Viễn Đông sang bổ sung cho việc phòng thủ thắng lợi Moscow.

Tuy nhiên, đây chưa phải là nước cờ cuối cùng của tình báo Liên Xô. Điều mà các nhà lãnh đạo NKVD (Bộ Dân uỷ Nội vụ, tiền thân của KGB) quan tâm và mong muốn là làm thế nào để Nhật sa lầy vào một cuộc chiến dai dẳng ở Viễn Đông – Thái Bình Dương, và dù muốn cũng không thể gây hấn với Liên Xô.

{keywords}
Phù hiệu lực lượng NKVD. Ảnh: Wikipedia

Các tư liệu được tiết lộ gần đây cho thấy, tình báo Liên Xô đã thiết lập được một mạng lưới điệp viên đông tới 329 người cài cắm trong các cơ quan Chính phủ Mỹ. Mạng lưới điệp viên này đã gây ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ, Nhật và buộc hai nước này phải giao chiến với nhau trước kì hạn người Mỹ đặt ra và ngoài ý muốn của người Nhật.

Một cuốn sách mang tên “Venona” nói về các điệp vụ trong Thế chiến thứ II mới xuất bản gần đây ở Mỹ cho thấy, tình báo Liên Xô đã tuyển mộ được nhà kinh tế học nổi tiếng Harry Dexter White và bố trí ông này làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống F. Roosevelt (và sau đó là Tổng thống H.Truman). Chính White - được Roosevelt hết sức tin cậy, là người đã góp phần thúc đẩy Nhật gây ra sự kiện Trân Châu Cảng.

Romestin, chuyên gia về Liên Xô của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và là đồng tác giả cuốn “Venona”, đã đưa ra những chứng cứ rằng chính White là nhân vật chính trong “Kế hoạch tuyết” do tình báo Liên Xô dàn dựng, với mục đích đẩy hai nước Mỹ – Nhật giao tranh với nhau để Nhật không còn cơ hội tấn công Liên Xô từ phía đông.

Theo kế hoạch này, White lợi dụng cương vị công tác của mình đã thúc giục Tổng thống Roosevelt áp dụng những chính sách cứng rắn với Nhật Bản và ép Nhật Bản rút toàn bộ quân đội khỏi Trung Quốc. Phối hợp với White, mạng lưới tình báo Liên Xô ở Nhật cũng gây được niềm tin cho phái chủ chiến trong chính giới nước này, rằng đánh nhau với Mỹ là cần thiết.

Ngày 26/11/1941, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm, yêu cầu Nhật rút hết quân đội khỏi Trung Quốc. Bị bức bách từ hai phía – từ phái diều hâu trong nội bộ Nhật và từ phía Mỹ, quân đội Nhật đã ra tay trước. Ngày 7/12 nổ ra trận Trân Châu Cảng. Quân Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ và bị thiệt hại nặng.

Ngày hôm sau Mỹ tuyên chiến với Nhật để rồi phải chiến đấu trên cả hai mặt trận. Còn nước Nhật quân phiệt sẽ không bao giờ còn cơ hội đánh chiếm vùng Viễn Đông – Siberia mênh mông của Nga mà họ thèm khát từ lâu.

Theo Romestin tường thuật trong cuốn “Venona” thì nếu phải giao chiến với Đức hoặc Nhật, thì I. V. Stalin sẽ lựa chọn Đức. Hình như trong tiềm thức của người Nga, thất bại trong chiến tranh Nga - Nhật năm 1905 vẫn còn mang dấu ấn nặng nề. Do vậy, tránh được một cuộc đối đầu với nước Nhật là một thắng lợi lớn của nhà lãnh đạo Xô-viết.

{keywords}
Harry Dexter White (trái). Ảnh: Wikipedia

Nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc và mãi đến sau khi Liên Xô tan vỡ, ông Lavlov - một cựu quan chức NKVD đã thừa nhận rằng chính ông là người trực tiếp điều hành chiến dịch “Kế hoạch tuyết” và giao nhiệm vụ cho White hoạt động theo chỉ đạo từ Moscow.

Đẩy Mỹ và Nhật vào cuộc chiến là chiến tích lớn nhất, nhưng không phải là duy nhất của White. Trong suốt thời gian chiến tranh, White đã thông báo cho phía Liên Xô nhiều tin tình báo quan trọng, kiến nghị với Chính phủ Mỹ nhiều chính sách có lợi cho Liên Xô.

Chính White đã tiết lộ cho phía Liên Xô những chủ trương của Mỹ trong hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc, nhờ đó mà Liên Xô đã giành được thế chủ động trong hội nghị này và trong việc xử lí nhiều vấn đề trong quan hệ Xô - Mỹ.

Điều thú vị là FBI tuy nghi ngờ White làm gián điệp cho Liên Xô (Giám đốc FBI ngay từ năm 1946 đã khuyến cáo Tổng thống Truman cẩn thận với White), song không tìm ra được bằng chứng buộc tội. Còn bản thân White thì tất nhiên phủ nhận bất cứ sự liên quan nào của ông đến nghề gián điệp nói chung. Năm 1948, White chết vì bệnh tim, và mãi đến năm 1994, FBI mới có được kết luận cuối cùng và chính xác về thân phận gián điệp của ông.

Nguyên Phong