- Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, Adam Sitkoff, đã ra tuyên bố chào mừng việc các bên kết hoàn tất đàm phán và đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thông báo kết thúc thành công đàm phán TPP là tin tức hoan nghênh với các công ty Mỹ và VN, với các nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng. Trong hai thập niên qua, thương mại Việt - Mỹ đã tăng trưởng gần như từ con số 0 lên đến gần 40 tỉ USD trong năm nay.

{keywords}
AmCham đánh giá TPP là cực kỳ quan trọng với quan hệ kinh tế song phương và với quan hệ Việt - Mỹ nói chung

Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD tại VN, đưa VN vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra việc làm có chất lượng cho công nhân VN, mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ Hoa Kỳ.

AmCham đánh giá TPP cực kỳ quan trọng với quan hệ kinh tế song phương và với quan hệ Việt - Mỹ nói chung. TPP sẽ có tác động thay đổi môi trường kinh doanh của VN và cung cấp những cơ hội mới giúp VN đưa ra chiến lược tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

TPP đặt ra những quy chuẩn sẽ định hình thương mại thế kỷ 21 và góp phần xóa bỏ những rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, mua sắm chính phủ trong khi đặt ra những chuẩn mực mới về tính gắn kết các văn bản pháp quy, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường cũng như quyền sở hữu trí tuệ.

Thỏa thuận này sẽ khiến lĩnh vực tư nhân được tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, và giúp thiết lập hạ tầng cung ứng then chốt, qua đó tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động VN.

Với dân số gần 800 triệu người và tổng GDP chiếm hơn 40% của thế giới, 12 nước TPP trong đó có VN cũng như các láng giềng ASEAN như Brunei, Malaysia và Singapore - có thể gặt hái những lợi ích to lớn từ thương mại gia tăng, quan hệ kinh tế gần gũi hơn trong nhóm nước TPP.

Một TPP "thế kỷ 21" đích thực sẽ sẽ làm giảm bớt rất nhiều rào cản thương mại phi thuế quan, sẽ đảm bảo việc thực thi các quy định chặt chẽ để tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa hai nước bằng cách yêu cầu VN tiến hành cải tổ sâu rộng hơn nữa, mở cửa thị trường cho hàng hóa sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp Mỹ.

Cơ hội hoàn thiện thể chế

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong cuộc trả lời phỏng vấn của TTXVN nhấn mạnh đây là hiệp định lịch sử. Bộ trưởng nhấn mạnh, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VN như: ​ ​ 

Về kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. 

Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu.

Về thể chế, tham gia TPP sẽ là cơ hội để ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường. 

Hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn; mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, thí dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vắcxin và một số sản phẩm ta có bước phát triển mạnh trong các năm qua).

TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Về mặt xã hội, TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo.

Bộ trưởng cũng đề cập tới nhiều thách thức mà lớn nhất là sức ép cạnh tranh đòi hỏi VN phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhà nước cũng cần có các các biện pháp trợ giúp để chủ động xử lý kịp thời các tác động tiêu cực có thể xảy ra trong đó có việc tổ chức đào tạo lại đội ngũ lao động...

Thái An