Trước việc Hà Nội đang xem xét lựa chọn 1 trong 2 tuyến đường là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm dừng hoạt động xe máy, nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình.

Bạn Tuyen nói “ủng hộ hai tay”. Bạn APG cũng chia sẻ "ủng hộ 100%".

{keywords}
Nhiều độc giả lo ngại cấm xe máy đường này thì lại tắc đường khác

Đồng quan điểm, bạn Tuấn Kiệt đề xuất thêm việc cần tính toán lộ trình để cấm ở tất cả các TP lớn trên cả nước.

Bạn Long cho rằng, trước mắt cần thực hiện nghiêm quy định cấm xe máy đi lên cầu vượt trong giờ cao điểm ở đường Lê Văn Lương để đảm bảo biển báo có hiệu lực. Sau đó mới tính đến các phương án khác.

Bạn Lê Quý Đức đề nghị nên cấm luôn cả 2 đường vì đường Lê Văn Lương đã có xe buýt BRT, đường Nguyễn Trãi có tàu điện trên cao.

“Thí điểm cấm xe máy tuyến này thì phải cấm ô tô ở các tuyến song song để xét lượng ô tô lưu thông chung hướng” là đề xuất của bạn đọc ký tên Minh.

Ủng hộ chủ trương thí điểm của TP Hà Nội, bạn Hai cũng cho rằng, nếu cấm thì phải thành một tuyến có giá trị như thành một mạch cho ô tô đi xuyên qua TP, nếu không xung đột sẽ kinh khủng hơn.

Nhiều lo ngại

Tuy nhiên, là người hiện đang sống ở đường Lê Văn Lương, bạn Minh Ánh phản đối đề xuất này. Theo bạn, hệ thống công cộng hiện không bảo đảm, làm như vậy gây khó khăn lớn cho người dân.

Bạn Nông Dền lo lắng, nếu cấm xe máy thì người dân ở Hà Đông và các tỉnh sẽ đi bằng gì.

Thường xuyên đi trên 2 tuyến đường này, bạn Hoàng Hà đặt ra hàng loạt câu hỏi thể hiện sự bất cập: Khi hết giờ xe buýt, tàu điện thì dân đi bằng gì? Xe máy ngoài là phương tiện đi làm còn là phương tiện đưa đón trẻ con đến trường, học thêm, cấm thì đưa đón ra sao?

Khi mua bao gạo hoặc cây cảnh thì chở bằng gì? Hàng cồng kềnh thì xe buýt không cho lên, hay vác bộ vài km? Chẳng nhẽ ship một cái bánh cũng phải dùng ô tô?

Theo bạn Phan Duy Hiệp, Trâm Phan và Tuấn Anh, nếu cấm 1 trong 2 đường trên thì sẽ làm đường còn lại thêm ùn tắc, vì hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn chỉnh.

Bạn Nguyen Nha chỉ ra vấn đề hiện tại, đường Lê Văn Lương cấp đất làm kín nhà cao tầng, xây dựng tuyến BRT thì không hiệu quả, chiếm 1/3 đường đi. Đường Nguyễn Trãi dân “dài cổ” đợi đường sắt trên cao, nhà máy, xí nghiệp dọn đi thì nhà cao tầng lại mọc lên. 

Lo ngại khác được bạn Hoàng Vinh nhắc tới là TP chưa tính được một ngày lượng hàng hoá, nhu yếu phẩm vận tải bằng xe máy lưu thông ở Hà Nội là bao nhiêu tấn. Nếu hỗn loạn thì ai chịu trách nhiệm?

Bạn Vui Qua đặt câu hỏi: Các hệ thống giao thông công cộng đã có đủ để kết nối với nhau không? Đi hết tuyến đường sắt thì sẽ phải đi bộ?

Bạn Thơ Trần nêu đề xuất cần nghiên cứu hệ thống giao thông, nếu hai tuyến song song gần nhau thì một đường chỉ cho xe máy chạy, một đường chỉ cho ô tô chạy, sẽ giải quyết được nạn tắc đường. In bản đồ hướng dẫn giao thông phát cho mọi người biết và thực hiện.

“Trên cùng một tuyến đường, đa số rất hẹp không thể chia hai làn xe ô tô và xe máy chạy được. Cũng không thể cấm ở một tuyến như Lê Văn Lương hay Nguyễn Trãi được vì người dân không chỉ đi đến các địa điểm trên hai đường đó.

Cấm đường đó, người ta vòng đường khác, sẽ gây tắc chỗ khác”, bạn Thơ Trần lo ngại.

Bạn KhoaiVN cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, quy hoạch tổng thể để từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân thì mới mong có hiệu quả.

Đường đầu tiên Hà Nội có thể cấm xe máy: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi

Đường đầu tiên Hà Nội có thể cấm xe máy: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi

Hà Nội đang lựa chọn tuyến đường để thí điểm dừng hoạt động xe máy, có thể là đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

Hương Quỳnh (tổng hợp)