Sáng 18/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất hướng giải quyết vướng mắc do các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải đặt ra để bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt.

{keywords}
Lái xe tại 19 tỉnh phía Nam không cần giấy xét nghiệm âm tính (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-Cov2. Nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm và thời hạn của kết quả.

Có nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh nên cần thiết có hướng dẫn để các địa phương thống nhất thực hiện.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ này chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày.

Bộ Y tế cho biết sẽ hướng dẫn các đơn vị kiểm tra dọc tuyến vận tải, bố trí thêm điểm xét nghiệm nhanh để không xảy ra ách tắc. Cụ thể, tại các điểm dừng nghỉ sẽ bố trí xét nghiệm nhanh cho lái xe đường dài.

Ban chỉ đạo đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Tinh thần là lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV, nhưng phải khử khuẩn, không tiếp xúc người khác.

Lái xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR để đảm bảo thông suốt.

Ban chỉ đạo sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của 19 tỉnh, thành phía Nam để giải quyết vướng mắc phát sinh hàng ngày.

Tuỳ tình huống sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp RT- PCR

Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR, nhằm bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh đã tương đương với xét nghiệm RT-PCR trong mẫu gộp. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.

Ở những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện, bảo vệ tối đa hệ thống y tế.

Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng tăng cường sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp nhiều mẫu đơn tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước…

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch như công cụ quản lý người từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà

Hệ thống cấp mã QR cho từng người dân để thực hiện khai báo y tế, quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát cũng như phục vụ công tác truy vết; công cụ quản lý thông tin xét nghiệm, tiêm chủng...

Đề nghị dán nhãn 'Hàng mau hỏng' với xe chở nông sản, thực phẩm tươi sống

Đề nghị dán nhãn 'Hàng mau hỏng' với xe chở nông sản, thực phẩm tươi sống

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị bổ sung thêm nhãn “Hàng mau hỏng” để các chốt kiểm soát dịch nhận biết, đảm bảo lưu thông thuận lợi cho hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn.

Gia Văn