Chiều 12/10, Đoàn ĐBQH TP.HCM có buổi giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch và các giải pháp kiểm soát dịch, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP.
Dự buổi giám sát có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch TP Phan Văn Mãi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Trao đổi tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề nguồn lao động khi TP tái thiết phục hồi kinh tế. Theo ông, đây là vấn đề rất quan trọng khi TP.HCM mở cửa hoạt động kinh tế, phục hồi sản xuất.
Với tình hình đó, để khôi phục kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM cần tập trung vào 5 nhiệm vụ thiết yếu.
Thứ nhất là tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt để nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa, người lao động. Ông lưu ý các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", mỗi nơi một kiểu mà cần tạo nên một quốc gia thống nhất.
Thứ hai là khôi phục, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy gói hỗ trợ thuế, tín dụng, thu hút đầu tư tư nhân... Chủ tịch nước nhấn mạnh, "cỗ xe tam mã" làm động lực cho TP.HCM phát triển là xuất khẩu - thị trường nội địa - thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài.
Thứ ba là Việt Nam cần có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để tận dụng nguồn lực.
Chủ tịch nước: 'Tôi tin trong 100 người về quê sẽ có 70 người trở lại TP'. Ảnh: TTBC |
Thứ tư là giải quyết vấn đề lao động, việc làm. Theo Chủ tịch nước, qua thời gian dài giãn cách, khi TP gỡ bỏ Chỉ thị 16 thì không lý do gì có thể cấm người dân về thăm cha mẹ, về quê.
“Tôi tin trong 100 người về quê thì sẽ có khoảng 60-70 người trở lại TP. Do đó, TP.HCM cần thấu hiểu tâm lý và có chính sách phù hợp để đưa người lao động trở lại, ví dụ như tiêm vắc xin mũi 2, cải thiện điều kiện nhà ở hay các gói an sinh. .”, Chủ tịch nước gợi ý.
Theo Chủ tịch nước, TP phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa người lao động trở lại; có phương án đào tạo, đào tạo lại lao động; có phương án hỗ trợ DN đào tạo nguồn nhân lực
Thứ năm là đảm bảo an sinh xã hội, bao gồm cả chính sách an sinh và sức khỏe tinh thần cho các nhóm bị tổn thương trong và sau đại dịch. Ông nêu một kinh nghiệm của Hà Nội là "bơm" vào ngân hàng chính sách trên 300 tỷ đồng để cho vay không lãi, đây như là cần câu để hỗ trợ người lao động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo TP.HCM và Đoàn ĐBQH dự buổi giám sát |
Về vấn đề này, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, TP.HCM đang trong quá trình chuẩn bị tái thiết thì một số bà con rời TP về quê.
TP đã dự báo được tình hình này, do đó thống nhất kêu gọi bà con ở lại tiêm vắc xin rồi về. TP sẽ phối hợp tổ chức để bà con về chứ không đi tự phát, gây ảnh hưởng cho các địa phương
“Tuy nhiên, thời gian giãn cách dài, bà con mình lúc đó sốt ruột quá, nên khi chờ tới ngày 30/9 bùng lên về quê, không thể cản được”, Bí thư Nên chia sẻ.
Người đứng đầu Thành ủy cũng cho biết, TP tiếp tục tuyên truyền thấu đáo, để bà con ráng thêm thời gian nữa, trừ trường hợp đặc biệt lắm thì mới về.
Ông khuyên người dân trong tình hình hiện nay, tuyệt đối không được chủ quan, cố gắng hết sức không để tình hình tồi tệ quay trở lại.
Cũng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP rất lo lắng khi thấy lao động về quê, nhưng cũng phải thấy rằng do họ quá khó khăn.
Do đó, để giữ chân người lao động, ông kiến nghị TP.HCM sớm triển khai chính sách hỗ trợ DN. Đặc biệt quan tâm DN nào cần hỗ trợ vốn duy trì trả lương cho người lao động thì hỗ trợ ngay, ví dụ, nhu cầu vay vốn.
Giãn tiền thuê đất cho DN, hỗ trợ các chi phí phục vụ phòng, chống dịch, chi phí xét nghiệm.
“Theo tôi, từ nay đến tháng 12, TP cần hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho DN”, ông Nhân đề xuất.
Chủ tịch nước đau xót cảnh em bé theo cha mẹ về quê
"Hình ảnh hàng nghìn người đi xe máy, có cả trẻ em về quê rất đau xót. Trong đó có phần trách nhiệm của chúng ta", Chủ tịch nước chia sẻ.
Hồ Văn