- Được biết Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức (Cổng thông tin 1022) vừa nhận được Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2019. Xin ông cho biết vì sao lại có ý tưởng hình thành nên cổng thông tin này?

{keywords}
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám Đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Từ trước khi có hệ thống 1022 và đường dây nóng, các đơn vị quản lý hạ tầng phải cử nhân sự thường xuyên đi thực tế kiểm tra hiện trạng các công trình, hạ tầng đô thị mà đơn vị đó phụ trách vì không có thông tin thường xuyên, kịp thời về tình hình hạ tầng. Việc này vừa mất công sức, vừa không thể đảm bảo nắm bắt và khắc phục kịp thời tình hình hư hỏng, xuống cấp của hạ tầng đô thị. Ngoài ra, người dân TP.HCM cũng chưa có một kênh thông tin hiệu quả để phản ánh các vấn đề bức xúc hàng ngày đến cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố, ngược lại lãnh đạo thành phố cũng thiếu một kênh thông tin thường xuyên, liên tục để lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân.

Từ thực tiễn quản lý của ngành, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu để triển khai vận hành thống nhất tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị thông qua đầu số (08)39.111.333 từ ngày 02/04/2013. Tuy nhiên việc vận hành tổng đài này chưa phát huy hết mục tiêu, yêu cầu của thành phố đề ra cũng như gây khó khăn cho nhân dân trong việc ghi nhớ đầu số. Vì vậy Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Cục Viễn thông, các đơn vị viễn thông có liên quan vận hành đầu số 1022 song song với đầu số (08)39.111.333 để làm tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật tại TP.HCM. Đến tháng 04/2015, Sở Thông tin và Truyền thông chính thức thay đổi đầu số (08)39.111.333 thành Tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật thành phố.

Kể từ ngày 18/03/2016, khi Sở Thông tin và Truyền thông áp dụng phần mềm xử lý phản ánh thông tin đường dây nóng 0888.247.247 thì số điện thoại này hoạt động 24/24 để tiếp nhận phản ánh của nhân dân trên địa bàn thành phố về tất cả các lĩnh vực. Ở đó sẽ có một bộ phận tổng đài viên chuyên tiếp nhận thông tin đường dây nóng và xử lý chuyển về bộ phận giải quyết theo 5 cấp độ.

Qua nhiều lần nâng cấp, mở rộng, đến ngày 11/01/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức.

- Hiện nay có bao nhiêu phương thức để người dân phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị đến Cổng thông tin 1022, thưa Ông?

Người dân có các phương thức để tiếp cận tổng đài 1022 như: gọi điện đến tổng đài 1022; nhắn tin SMS; báo sự cố qua email 1022@tphcm.gov.vn; báo qua cổng tiếp nhận 1022.tphcm.gov.vn; qua ứng dụng Tổng đài 1022 trên smartphone. Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng cách thức tiếp cận để người dân có thể gửi thông tin qua mạng xã hội.

- Tính đột phá, sáng tạo nằm ở đâu trong giải pháp hệ thống 1022?

1022 là cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin với nhiều phương thức phản ánh, là mô hình tiếp nhận phản ánh đầu tiên trong số các tỉnh thành trên cả nước. Đến nay hệ thống có 6 kênh phản ánh, 8 nhóm lĩnh vực phản ánh (Hạ tầng giao thông; Cấp và thoát nước; Chiếu sáng; Cây xanh; Điện lực - viễn thông; Giao thông công cộng...), đây là điểm độc đáo mà các hệ thống tương tự tại thành phố và các tỉnh thành khác chưa có được. Người dân sẽ theo dõi được quá trình xử lý; nhận được thông báo về kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố; có thể đối chiếu thực tế xử lý và tiếp tục phản ánh lại hệ thống trong trường hợp thực tế sự cố chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chất lượng.

Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức áp dụng cơ chế SMAC (Social - Xã hội; Mobile - Di động; Analytics - Phân tích dựa trên dữ liệu lớn; Cloud - Đám mây), rất tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện nay.

Một điểm nổi bật khác đó là trên hệ thống còn tích hợp cả các camera giám sát và dữ liệu hạ tầng đô thị (trạm BTS, các tuyến cáp ngầm, cáp treo...) nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng khi xử lý phản ánh liên quan đến hạ tầng kỹ thuật.

Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức cũng là một trong các thành phần quan trọng của Trung tâm điều hành đô thị thông minh tại TP.HCM. Hiện nay, một số thông tin của Cổng thông tin 1022 đã được tích hợp vào hệ thống Trung tâm điều hành Đô thị thông minh phục vụ cho nhu cầu điều hành của lãnh đạo thành phố.

- Theo thống kê có bao nhiêu phản ánh của người dân về sự cố hạ tầng kỹ thuật được gửi đến hệ thống? Thời gian xử lý các sự cố trung bình là bao lâu?

Từ lúc thành lập đến nay, hệ thống đã tiếp nhận tổng cộng hơn 780.000 phản ánh (về sự cố hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xe buýt, và phản ánh đường dây nóng - tính từ tháng 03/2016 đến nay). Trung bình mỗi ngày hệ thống tiếp nhận khoảng 270 phản ánh. Thời gian để xử lý mỗi sự cố là khác nhau tùy theo từng lĩnh vực và mức độ của sự cố, và có quy định cụ thể. Chẳng hạn, đối với sự cố bình thường có thể xử lý ngay thì phối hợp với các đơn vị liên quan để khắc phục trong khoảng thời gian không quá 2 giờ. Nếu không thể khắc phục trong 2 giờ thì cập nhật thời gian dự kiến hoàn tất...

- Hướng phát triển của Cổng thông tin 1022 trong thời gian tới là như thế nào, thưa Ông?

UBND Thành phố ban hành Quyết định số 183/QĐ-UBND ngày 11/01/2019 về phê duyệt Đề án Cổng thông tin tiếp nhận và giải pháp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp các đơn vị từng bước xây dựng hoàn thiện cổng thông tin này. Mục tiêu của đề án xác định:

- Cổng thông tin tiếp nhận và giải pháp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức là cổng thông tin tích hợp các dịch vụ đường dây nóng hỏi đáp của các đơn vị quản lý hành chính và đơn vị sự nghiệp công, cung cấp thông tin về dịch vụ công của các cơ quan nhà nước và kênh giao tiếp được sắp xếp theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

- Hệ thống được hình thành và xây dựng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để liên thông, kết nối và cung cấp thông tin, dữ liệu, dịch vụ liên ngành cho người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp và tổ chức tìm kiếm dịch vụ và thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước một cách thuận tiện nhất theo định hướng Một cửa điện tử trên môi trường mạng.

- Cổng thông tin này sẽ là một bộ phận cấu thành để xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

- Xin cám ơn Ông về buổi trao đổi này.

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM do UBND Thành phố phát động, tổ chức. Giải thưởng được tổ chức hai năm một lần, nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực: Kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh; Văn hóa - nghệ thuật; Cải cách hành chính; Các sản phẩm truyền thông sáng tạo; Các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao; Các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản mới, trình độ quốc gia.

Phúc Nguyễn

Thủ tướng phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Lào Cai

Thủ tướng phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Lào Cai

Thủ tướng vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung, miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.