Quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội toàn vùng. Trong đại dịch Covid-19 năm nay, chuỗi cung ứng này đã bị đứt gãy nghiêm trọng, thị trường suy giảm, thậm chí đóng băng do hệ thống phân phối và bán lẻ ngưng hoạt động.
Cần nâng cao đời sống vật chất của công nhân thông qua thay đổi chính sách lương tối thiểu áp dụng cho khu vực tư |
Hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm do thiếu đơn hàng bắt nguồn từ việc giảm cầu ở quy mô toàn cầu, nhất là đối với nhóm hàng hóa tiêu dùng. Ngoài ra, các vấn đề khác như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn; chi phí và thời gian vận tải tàu biển tăng; thời gian bốc dỡ hàng hóa kéo dài; thiếu hụt dịch vụ hải quan, kho bãi; thiếu phương tiện và người vận chuyển hai chiều từ các khu công nghiệp và cảng biển; thiếu dịch vụ tư và dịch vụ công càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Trong khi đó, hệ thống logistics liên vùng, nội vùng và nội tỉnh bị đứt gãy nghiêm trọng. Hệ thống thương nhân, lao động trực tiếp và gián tiếp trong hệ thống logistics chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin không thể làm việc. Việc xét nghiệm Covid với tần suất cao làm gia tăng chi phí và rủi ro nhiễm bệnh của người vận chuyển, tạo tâm lý ngán ngại vì rủi ro sức khỏe gia tăng.
Quan trọng nhất là sự khác biệt trong các quy định của các cơ quan chính quyền giữa các tỉnh thành về phân loại hàng hóa thiết yếu, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển, mã QR và các thủ tục lưu kho, phân phối, bốc dỡ, lưu thông hàng hóa tạo ra quá nhiều khó khăn, cản ngại.
Sự thiếu nhất quán về thủ tục và thay đổi không đồng bộ giữa các tỉnh thành càng làm gia tăng sự đứt gãy của chuỗi, phá vỡ tính kết nối tự nhiên của kinh tế vùng. Đồng thời, các dịch vụ duy tu bảo dưỡng thiết bị, máy móc, xe vận chuyển thiếu hụt do thiếu lao động, giãn cách xã hội.
Tất cả đều dẫn tới tăng giá vận chuyển khi chi phí phát sinh tăng vì tăng chi phí vật tư, chi phí tiền mặt và mất mát thời gian cho thủ tục, xét nghiệm, và khan hiếm lao động chuyên môn.
Hệ thống cung ứng vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng bị tổn hại nghiêm trọng. Vật tư khan hiếm do chuỗi cung ứng nguyên nhiên vật liệu đứt gãy từ đầu vào nhập khẩu, nguyên vật liệu nhập khẩu hạn chế; thời gian và chi phí lưu kho tại cảng gia tăng do thiếu lao động bốc dỡ; quy mô hàng hóa lưu thông từ khu công nghiệp về các địa phương giảm sút do thiếu lao động vận chuyển và các thủ tục phức tạp; chi phí vận chuyển, lưu kho gia tăng; kho bãi đóng cửa; thiếu lao động vận chuyển. Chi phí gia tăng là hệ lụy của tất cả vấn đề trên.
Khu vực sản sản xuất hàng hóa của các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế tạo thành phẩm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thiếu hụt lao động xảy ra nghiêm trọng khi công nhân chưa được tiêm chủng, nhất là ở các tỉnh.
Chi phí sản xuất gia tăng vì tăng chi phí vật tư, khan hiếm vật tư và lao động, áp dụng sản xuất 3 tại chỗ, giảm quy mô sản xuất do nhà máy không thể thực hiện 3 tại chỗ. Tổ chức giao chuyển sản phẩm khó khăn do thiếu phương tiện và người vận chuyển; tồn kho tăng; chi phí sản xuất gia tăng trong khi cầu nội địa giảm nghiêm trọng.
Hậu quả là biên lợi nhuận của DN và toàn bộ hệ thống ngành sản xuất đều giảm sút nghiêm trọng, thậm chí thua lỗ. Trạng thái thiếu động lực và năng lực duy trì sản xuất dẫn đến giảm quy mô sản xuất và/hoặc tạm thời ngưng sản xuất sản xuất đình trệ. Điều này có thể dẫn đến thiếu suy thoái vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Nếu không kịp thời có các giải pháp hữu hiệu thì toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh hàng hóa không có cơ hội phục hồi hoặc phục hồi chậm chạp, làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế của hộ gia đình, tỉnh thành và quốc gia.
Các giải pháp tức thời, ngắn hạn
Giải pháp 1. Vắc xin
Tăng cường tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho người lao động trực tiếp, gián tiếp trong toàn bộ hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng cho toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ưu tiên tiêm ngừa cho lao động trong hệ thống kho bãi, vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa từ cảng cho đến nơi sản xuất, tiêu thụ. Kế tiếp là thương nhân, lao động tham gia chuỗi cung ứng, công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở chế biến phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, và đến hệ thống nhân lực ngành thương mại.
Chính quyền các tỉnh thành cần có đề xuất chung cấp vùng cho Chính phủ để điều tiết kịp thời vắc xin cho toàn vùng.
2. Loại bỏ sự cát cứ địa phương
Khẩn cấp thống nhất các quy định giữa các tỉnh thành trên quan điểm phục hồi kinh tế toàn vùng để tránh tạo ra các rào cản hành chính đối với dòng dịch chuyển lao động và hàng hóa nội vùng. Các chính sách, thủ tục hành chính đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra cát cứ địa phương và gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng.
3. Từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy
Khẩn cấp khơi thông dòng dịch chuyển nhân lực nội vùng để phục hồi lao động cho sản xuất ở toàn bộ hệ thống chuỗi cung ứng, từ thương nhân, lao động tham gia chuỗi cung ứng, công nhân và người lao động ở các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.
Giải pháp trung hạn giai đoạn 2022-2025
Giải pháp 4. Chính sách tài khóa: cung cấp vốn và lãi suất ưu đãi cho DN
Chính sách tài khóa cần tập trung ngân sách có trọng điểm cho các hoạt động tái đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành thâm dụng lao động. Hoãn các hoạt động đầu tư dàn trải, không sinh lợi. Thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho DN thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay).
Tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi cho người dân, DN để phục hồi sản xuất, kinh doanh thuộc diện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Triển khai chính sách ưu đãi với các DN logistics, các ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất thành phẩm, để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho bãi, lưu trữ.
5. Giảm thuế, miễn thuế
Giảm thuế, miễn thuế VAT, thuế thu nhập DN một cách hợp lý đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh. Giảm thuế, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với những nhóm người lao động có thu nhập chịu thuế ở các ngưỡng thấp để phục hồi cầu tiêu dùng.
Giải pháp trong dài hạn sau 2025
Giải pháp 6. Chăm lo phúc lợi và an sinh xã hội cho công nhân và người lao động ở các khu công nghiệp
Một giải pháp nền tảng là giảm hợp lý tỷ lệ đóng góp ngân sách của các tỉnh thành và cả vùng để tăng năng lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo an sinh xã hội cho người lao động.
Chú trọng chăm lo và tạo dựng điều kiện sống bảo đảm cơ bản cho công nhân và người lao động. Nâng cao đời sống vật chất của công nhân thông qua thay đổi chính sách lương tối thiểu áp dụng cho khu vực tư. Nâng dần mặt bằng lương tối thiểu để đuổi kịp mức bù trượt giá và tiến tới xây dựng ngưỡng thu nhập tối thiểu hợp lý với thu nhập quốc dân.
Các tỉnh thành cần đề xuất Chính phủ ngưỡng lương tối thiểu phù hợp với mặt bằng giá khu vực và tiêu chuẩn sống xứng đáng cho công nhân và người lao động, thoát khỏi tư duy cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ để thu hút FDI.
Xây dựng các quy định tiêu chuẩn xây dựng và tiện ích của nhà trọ, ký túc xá công nhân. Cung cấp vốn ưu đãi cho giới chủ nhà trọ để nâng cấp nơi lưu trú, từ đó nâng cao chất lượng sống của công nhân và người lao động, cung cấp đầy đủ dịch vụ công về y tế, giáo dục.
Nghiên cứu đề xuất tỷ lệ đóng góp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp hợp lý nhằm nâng cao thu nhập thực của công nhân và người lao động.
7. Phát triển đa cực vành đai công nghiệp thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nội vùng
Phát triển đa cực cho hoạt động sản xuất công nghiệp là cần thiết. Dựa trên cơ sở đầu tư tập trung cho cải thiện và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để tăng năng lực kết nối nội vùng và tạo nền tảng cho mở rộng quy mô hoặc phân tán các khu công nghiệp tại các tỉnh thành.
Từ đó, giãn mật độ tập trung của người lao động, giảm áp lực cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đối với các khu công nghiệp tập trung ở một vài tỉnh thành, tạo điều kiện cho công nhân và người lao động giảm bớt dịch chuyển đến các tỉnh thành khác, có thể làm việc tại địa phương và cư trú tại gia đình (ly nông bất ly hương). Điều này góp phần phát triển kinh tế địa phương và giảm các chi phí xã hội toàn vùng.
8. Đầu tư cho hoạt động R&D và thay đổi công nghệ cho các ngành công nghiệp
Tận dụng xu thế phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất của thế giới, tăng cường hàm lượng công nghệ hiện đại và tăng tỷ lệ lao động trình độ cao ở các nhà máy sản xuất để tăng năng suất lao động và qua đó, tăng tiền lương và cải thiện đời sống cho họ.
Các hệ thống giải pháp trên được đặt ra với tiếp cận vùng, vượt qua ranh giới hành chính địa phương. Có những giải pháp ở cấp độ vùng mà các chính quyền tỉnh thành có thể đàm phán, thỏa thuận và thống nhất thực hiện, nhưng cũng có những giải pháp dài hạn đòi hỏi phải có chính sách từ cấp chính phủ, nhất là giải pháp dài hạn.
PGS Trần Tiến Khai - GS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế TP.HCM)
Chúng ta cùng chống virus chứ không phải chống nhau
Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 128, hàng loạt tỉnh bắt đầu thay đổi các biện pháp chống dịch, tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông và sinh kế của dân.