Tại hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” – do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng tổ chức giữa tuần qua tại Hà Nội – có một khái niệm ít khi được đề cập trên các diễn đàn công khai nay đã được nhắc đến với cách tiếp cận thẳng thắn, đó là “chủ nghĩa thân hữu”. Đây là một căn bệnh đã trở thành mãn tính từ khi nền kinh tế nước ta bước đầu chuyển đổi.
Một báo cáo được đưa ra trong hội thảo cho thấy việc thiên vị các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với Nhà nước đã gây khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời làm giảm khả năng ban hành các quy định phù hợp với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh.
Điều đó cũng nảy sinh tình trạng thương mại hóa thiết chế công, tạo dư địa để một số quan chức lạm dụng thẩm quyền điều tiết thị trường, thực thi pháp luật và phân bổ quyền tài sản nhằm thu lợi cho mình và thân hữu.
Là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng báo cáo này, bà Phạm Chi Lan – chuyên viên kinh tế có uy tín – nhấn mạnh báo cáo “Việt Nam 2035” có cách tiếp cận khá mạnh dạn và nhìn thẳng vào một số vấn đề. Trong báo cáo đưa ra những ngôn ngữ mà các báo cáo chính thống trước đây chưa dùng đến, ví dụ như “chủ nghĩa thân hữu”.
Có sự phân biệt giữa doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp không thân hữu. |
Theo bà Chi Lan, Việt Nam không chỉ có sự phân biệt doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp tư nhân trong nước, mà còn có sự phân biệt giữa doanh nghiệp thân hữu và doanh nghiệp không thân hữu.
Doanh nghiệp thân hữu gồm có ba nhóm là doanh nghiệp nhà nước, một số lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và một số ít doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ của Việt Nam. Còn lại là doanh nghiệp không thân hữu, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đúng như nhận định của bà Phạm Chi Lan, đây là lần đầu tiên cụm từ này được nói đến một cách chính thức, xuất phát từ khái niệm “tư bản thân hữu” mang ý nghĩa tiêu cực, một biến tướng, biến dạng của nhóm lợi ích được nhìn dưới góc độ xấu, là nguyên nhân gây không biết bao nhiêu tác hại cho nền kinh tế ngay từ bước đầu chuyển đổi theo cơ chế thị trường.
Đã có các tập đoàn khổng lồ, các tổng công ty hoạt động kém hiệu quả nhưng lại được bảo trợ từ các nhóm lợi ích, mà Vinashin, Vinalines mấy năm trước là dẫn chứng. Đã có nhiều người tạo nên được sự nghiệp lớn, do vi phạm pháp luật đã bị đưa ra tòa, nhưng rồi do có những mối quan hệ gắn bó với những nhóm lợi ích mà qua nhiều năm sự việc vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.
Thực tế đời sống kinh tế cho thấy hoạt động của nhóm lợi íchở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng – tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội. Quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu cũng là miếng đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích. Thậm chí trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành cũng dễ nhận ra bóng dáng của lợi ích nhóm.
Một bài viết gần đây trên tạp chí nghiên cứu của đảng đã phân tích thẳng thắn những tác hại của lợi ích nhóm và nhóm lợi ích, mà sự việc nghiêm trọng đến mức Nhà nước đã nhiều lần báo động.
Thứ nhất, tình hình này làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kiềm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường. Nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật với “kinh tế ngầm”, “thị trường ảo”, chụp giật, hoang dã, giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.
Thứ hai là đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị, nói cách khác là đồng tiền chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba là gây ra sự suy đồi về văn hóa, đạo đức do hệ giá trị bị đảo lộn, đồng tiền cùng quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Việc phân hóa giàu – nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội.
Thứ tư là làm lẫn lộn thật – giả, đúng – sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào được cuộc sống làm mất lòng tin của người dân dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của quốc gia.
Thứ năm là khiến chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn chạy chức, chạy quyền, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, chứ không phải sử dụng người có tài đức, là sự phát triển bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ.
Nếu sự phát triển cao độ của nhóm lợi ích là cơ sở để các nhà lý luận khái quát thành “chủ nghĩa tư bản thân hữu” mang tính chất của sự lủng đoạn, thì do nước ta không phải là nước tư bản nên khái niệm này tạm gọi là “chủ nghĩa thân hữu”, sản phẩm của một mô hình kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh. Nhưng dù tên thế nào đi nữa thì những gì diễn ra thực chất cũng là sự chiếm đoạt tài nguyên quốc gia qua các công trình, chương trình đầu tư; thông qua cách điều hành và quản lý không minh bạch mang lại lợi ích cho một nhóm người, gây tình trạng tiêu cực, tham nhũng.
Trở lại với tình trạng thiên vị giữa các loại hình doanh nghiệp do có quan hệ thân hữu với Nhà nước được nêu lên nhân cuộc hội thảo do VCCI và WB vừa mới tổ chức, câu hỏi đặt ra là liệu đến bao giờ và bằng cách nào để hạn chế bớt hoạt động của nhóm lợi ích và tác hại của chủ nghĩa thân hữu?
Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương nhận định rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do ở Việt Nam thiếu thị trường. Ông giải thích, hiện nay tài sản công rất lớn nhưng không ai biết gồm những gì, giá trị gia tăng là bao nhiêu và ai đang được hưởng lợi từ đó. Chính điều này làm méo mó thị trường nhiều nhất.
Theo ông, muốn đất nước phát triển, không có cách nào khác là tạo một thị trường cạnh tranh minh bạch, dân chủ hơn nữa. Muốn vậy thì Nhà nước phải minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình, mà muốn có sự thay đổi thì phải có áp lực hành chính đủ mạnh với những người đứng đầu.
Đi vào thực chất của vấn đề, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa – cho rằng cùng với phát triển kinh tế tư nhân, cần thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ. Chính sự phát triển của kinh tế tư nhân đòi hỏi chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực này dẫn dắt nền kinh tế thị trường. Theo bà, cần phân định rõ giới hạn nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, hiện đại hóa thể chế, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình.
Công khai và minh bạch đang được tiếp nhận như một chủ trương lớn trong quy trình quản lý. Điều này được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2013 và quá trình xây dựng luật pháp, thực thi luật pháp và xây dựng thể chế kinh tế trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng đã có những quy định rất rõ ràng về những việc phải công khai trong từng lĩnh vực quản lý. Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014… được ban hành nhằm hướng tới công khai và minh bạch trong mọi khâu quản lý. Hiện nay, trong quá trình xây dựng một số luật quan trọng như Luật Ngân sách sửa đổi và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, vấn đề công khai và minh bạch cũng đang được đưa lên bàn thảo luận.
Thế nhưng trong thực tế thì luật lệ gì nước ta cũng có, thậm chí có khi còn nhiều hơn một số nước, nhưng việc thực thi lại chưa được bao nhiêu. Mặc dù về nguyên tắc vẫn là công khai mọi thứ thông tin quản lý, trừ các thông tin thuộc diện bảo mật, nhưng nước ta vẫn vướng vào một vấn đề rất cơ bản là công khai cái gì và công khai thế nào.
Đây chính là một trong những nội dung quan trọng đòi hỏi khi nước ta tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai, cũng như các hiệp định mới đây với EU và các nước khác, để nền kinh tế đường hoàng bước chân ra biển lớn.
Trần Đại Lộc (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)