Lính hư

Theo phóng sự điều tra: “Muốn qua cửa khẩu La Lay khó thoát 'luật ngầm' tức anh ách này?” của Báo VietNamNet, lực lượng liên ngành cửa khẩu La Lay (xã A Ngo huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, thông thương với huyện Sa Mouay tỉnh Salavan, CHDCND Lào) bị tố có dấu hiệu vòi vĩnh, nhận tiền “bôi trơn” trong công tác quản lý, giám sát người và phương tiện xuất - nhập cảnh.

Theo phóng sự trên, nhiều người dân và phương tiện chở khách, hàng hóa qua cửa khẩu đều phải chấp nhận “luật ngầm”, dùng tiền bôi trơn do những cán bộ lực lượng liên ngành hải quan, kiểm dịch... cửa khẩu đặt ra. Có như vậy, lực lượng này mới “nới lỏng” giám sát, tạo điều kiện xuất - nhập cảnh.

Tại đây, cán bộ hải quan thu mỗi xe khách 100 nghìn đồng tiền phí đóng dấu bút nhập tờ khai. Nếu các phương tiện chở thêm hàng hóa, mỗi thùng hàng phải đóng phí 100 nghìn đồng.

Còn tiền tài xế, chủ phương tiện phải đóng cho cán bộ kiểm dịch từ 50-100 nghìn đồng/chuyến.

Không chỉ nhận tiền “bôi trơn” từ cánh tài xế xe chở khách, chở hàng, mỗi người dân làm thủ tục xuất cảnh cũng phải nộp phí cho cán bộ hải quan từ 30-50 nghìn đồng để làm thủ tục thông quan.

Tất cả những khoản thu trên đây đều không có hóa đơn chứng từ.

Khi chủ phương tiện và người dân thắc mắc về những khoản phí này, cán bộ liên ngành cửa khẩu La Lay trả lời, rằng đây là “lệ phí qua cửa khẩu”.

Theo phóng sự điều tra của VietNamNet, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian khá lâu.

{keywords}
Ông Lê Chí Thành (trái) đang xem hình ảnh cấp dưới của mình nhận tiền. Ảnh: VietNamNet

Quan chối cãi không xong tìm cách che đậy, lấp liếm

Khi phóng viên VietNamNet phản ánh lực lương liên ngành, trong đó có hải quan cửa khẩu nhận tiền bôi trơn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay - Lê Chí Thành khẳng định, không có chuyện cán bộ hải quan cửa khẩu ban hành “luật ngầm”, vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp vận tải làm thủ tục xuất - nhập cảnh.

Vị Chi cục trưởng hùng hồn: “Tôi dám khẳng định là lực lượng hải quan tại cửa khẩu La Lay không có những hành động này. Việc thu phí là đúng”.

Khi phóng viên cung cấp hình ảnh cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay nhận tiền bôi trơn của người dân và chủ phương tiện làm thủ tục thông quan, ông Chi cục trưởng thay đổi thái độ rồi giải bày, mỗi ngày có khoảng 30 - 60 phương tiện đến làm thủ tục xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu La Lay. Chỉ đủ mua lon bia, con gà tiếp khách.

Vị Chi cục trưởng cũng khẳng định, những hình ảnh đưa - nhận tiền lệ phí này là hiện tượng diễn ra thường xuyên và thừa nhận: “Việc thu thêm tiền ngoài phí thế này là sai rồi nhưng do anh em khổ quá”.

Để biện minh, lấp liếm cho hành vi sai trái của cấp dưới, vị Chi cục trưởng phân bua: “… do anh em hải quan cửa khẩu điều kiện khó khăn, thẻ lương thì vợ cầm, lâu lâu mới có một vài phương tiện, hàng hóa qua về nên nhiều lúc, người dân họ không lấy lại tiền thừa mà bồi dưỡng cho cán bộ để uống nước".

Ông Lê Chí Thành tỉnh bơ thừa nhận: “Trước đây, xe khách qua về cửa khẩu có thể cho anh em cán bộ 800 nghìn đến 1 triệu đồng nhưng giờ làm ăn khó khăn, họ gửi cho anh em 30 - 50 nghìn đồng anh em cũng vui vẻ rồi”, coi việc nhận hối lộ như là lộc trời cho. 

Quan như vậy lính không hư mới là chuyện lạ.

Một số câu hỏi cần có lời giải

Chi cục trưởng ông Lê Chí Thành vì “thương” cấp dưới “khổ quá” mà bao che cho họ hay là cố tình bao che cho một đường dây phạm tội và đằng sau đó còn là sự ăn chia?

Phải chăng những kẻ nhận tiền bôi trơn chỉ là đầu vào của một đường dây nhận tiền hối lộ ở Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay?

Phải chăng vì ở nước ta có quá nhiều quan chức “thương” cấp dưới như ông Lê Chí Thành nên đâu đâu công chức, viên chức cũng đòi bôi trơn và tham nhũng trở thành quốc nạn?

Thử hỏi, người dân và các chủ phương tiện chỉ dùng từ 50.000-200.000 VND bôi trơn là xuất - nhập cảnh dễ dàng, vậy những kẻ buôn lậu, buôn hàng quốc cấm, những kẻ có ý đồ xâm phạm an ninh quốc gia… dùng nhiều tiền bôi trơn thì có xuất - nhập cảnh dễ dàng như vậy không?

Lực lượng liên ngành ở 59 cửa khẩu đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt của Việt Nam có đòi bôi trơn như ở cửa khẩu La Lay không?

Nếu không thì tại sao làm việc ở cửa khẩu “khổ” và “túng thiếu” (như ông Lê Chí Thành nói) nhưng hầu hết công chức, viên chức các ngành chức năng đều “chạy” bằng được về công tác ở các cửa khẩu, khi đạt mục tiêu ai cũng coi đó như được lộc trời cho?

Kiến nghị

Theo thông tin mới nhất, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã đình chỉ công tác 4 cán bộ, nhân viên Hải quan cửa khẩu La Lay nhận tiền bôi trơn.

Tổng cục Hải quan xử lý như vậy là kịp thời, tuy nhiên đây là hành vi đòi và nhận hói lộ nên cơ quan Công an phải vào cuộc điều tra để xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nếu để ngành Hải quan xác minh điều tra sẽ không thể khách quan.

Nếu không xử lý nghiêm những hành vi như vậy, là vô tình khuyến khích những kẻ đòi và nhận hối lộ tiếp tục vi phạm pháp luật. Mặt khác, những kẻ buôn lậu, buôn hàng quốc cấm, có ý đồ xâm phạm an ninh quốc gia cũng sẽ dùng tiền bôi trơn để xuất - nhập cảnh dễ dàng.

Điều này không chỉ nguy hại cho kinh tế, mà còn nguy hại cả về an ninh chính trị, an toàn xã hội, nhất là khi có rất nhiều chất ma tuý được phát hiện gần đây.

Nguyễn Huy Viện