VNG bán Cổ phiếu quỹ đầu tư để mở rộng thị trường va đầu tư vào các startup tiềm năng |
Ngày 22/7, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty VNG vừa diễn ra thông qua hình thức trực tuyến, với nhiều nội dung quan trọng như: Thông qua báo cáo kết quả kinh doanh đã kiểm toán năm 2020, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, thông báo kế hoạch bán cổ phiếu quỹ phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán…
Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt hơn 6.024 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm lần lượt là 40% và 57% so với năm 2019, tương đương 255 tỷ đồng và 261 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua ( - 246 tỷ đồng).
Trong năm 2020, các mảng kinh doanh chủ lực của VNG vẫn tiếp tục phát triển theo lộ trình đặt ra dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19: Lĩnh vực trò chơi điện tử có những bước tiến vững chắc tại thị trường nước ngoài như Đông Nam Á và bước đầu gặt hái thành công tại thị trường mới như Ấn Độ, Nga…
Zalo đã chính thức trở thành ứng dụng nhắn tin phổ biến số 1 Việt Nam năm 2020 với tỷ lệ người dùng đạt 76,5%. Đây cũng là kênh thông tin chính thống được 55 tỉnh, thành trên cả nước sử dụng để tương tác với người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Trợ lí ảo người Việt đầu tiên mang tên Kiki do Zalo phát triển sẽ sớm tích hợp vào loa thông minh và có khả năng sử dụng trên ô tô, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ứng dụng AI tại Việt Nam.
Ví điện tử ZaloPay cũng đạt sự tăng trưởng mạnh về người dùng sau khi triển khai thành công loạt tính năng tích hợp trong Zalo như lì xì, chuyển tiền ngay trong khung chat; đi siêu thị, mua thực phẩm ngay trên Zalo OA và thanh toán bằng ZaloPay…
Mảng kinh doanh B2B VNG Cloud đã có những đóng góp quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chuyển đổi số kịp thời trong hoạt động quản trị doanh nghiệp thời Covid. Bên cạnh đó, ứng dụng định danh người dùng (eKYC) trueID dành cho các ngân hàng và tổ chức tài chính do các kỹ sư VNG phát triển hiện đang được nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam và nước ngoài tin dùng như Bản Việt, ACB, HongLeongBank…
Tại Đại hội cổ đông lần này, VNG dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra năm 2020. Lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho công ty là - 619 tỷ đồng, do chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh tay cho Thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.
Ngoài ra, Công ty cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán Cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước để phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán. Số tiền thu về từ chào bán cổ phần dự kiến sẽ được sử dụng để mở rộng và phát triển thị trường (cả trong và ngoài nước), tiếp tục đầu tư cho các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng. Chiến lược đồng hành cùng các startup công nghệ này đã được VNG thực hiện từ năm 2020 với khoản đầu tư hơn 80 tỷ đồng vào doanh nghiệp vận tải công nghệ Ecotruck vào Quý 4/2020 và thương vụ đầu tư trị giá 138 tỷ đồng vào Got It – nền tảng quà tặng điện tử tiên phong tại Việt Nam trong Quý 1/2021.
VNG cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được định giá trên 1 tỷ USD theo đánh giá World Startup Report và Google – Temasek Report, nằm trong Top 14 kỳ lân công nghệ của Đông Nam Á năm 2019.
Mới đây tờ Nikkei Asia đã nhận định, Trong hơn 15 năm qua, VNG đã đa dạng hóa kinh doanh sang lĩnh vực điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán điện tử và thông tin liên lạc. Đồng thời, công ty này cũng xây dựng được tập người dùng online lớn nhất Việt Nam. Kể từ khi thành lập, VNG đã trở thành một công ty đa ngành nghề với hơn 20 mảng dịch vụ khác nhau như fintech, điện toán đám mây, game và ứng dụng trò chuyện. Trong đó, nhiều dịch vụ không được đánh giá cao như thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm… Các mảng hoạt động kinh doanh của VNG cũng bị nhìn nhận là có sự chồng chéo.
Hiện tại, nguồn thu từ game đang đóng góp 79,2% trong tổng doanh thu 6 nghìn tỷ đồng (262 triệu USD) được ghi nhận trong báo cáo tài chính của VNG năm 2020. Công ty có kế hoạch bổ sung các dòng game trên di động vào thị trường Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Đây là những động thái giúp VNG cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Sea Group - công ty sở hữu nhà phát hành game Garena và Tencent.
Ngoài ra, VNG còn thu lợi nhuận từ dịch vụ B2B, đe dọa lên các đối thủ nước ngoài như Amazon và Alibaba nếu chính phủ Việt Nam quy định các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong nước. Nguồn thu nhập lớn thứ hai của VNG đến từ quảng cáo, chiếm đến 16,3% doanh thu của VNG năm 2020, tăng trưởng 10,6% so với năm 2015.
Ở một khía cạnh nào đó, theo Nikkei nhận định, VNG đang đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam. Năm 2004, tiền thân VNG là Vinagame - một công ty khởi nghiệp nhỏ tận dụng sự phát triển phổ biến của game máy tính và quán cà phê Internet. VNG bổ sung một loạt dịch vụ quan trọng với nền kinh tế hiện tại của Việt Nam như thanh toán, phát trực tiếp, điện toán đám mây trong khi tốc độ, sự ổn định và những sticker vui nhộn trên ứng dụng nhắn tin Zalo đã đi sâu vào đời sống người Việt.
Nguyễn Thái
Khẳng định mình còn ưu việt hơn Google Street View, startup StarGlobal 3D nhận đầu tư từ Shark Tank
Nhà sáng lập StarGlobal 3D khẳng định giải pháp của mình ưu việt hơn Google Street View khi có thể đi sâu vào nhà máy, tích hợp nhiều thông tin trên nền tảng 3D/360, trở thành nền tảng tất cả trong một mà không cần phải đi đâu tìm kiếm thông tin.