Khối ngoại trở lại mua ròng nhiều phiên liên tiếp

Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 1,1 tỷ cổ phiếu, trị giá 30.800 tỷ đồng. HoSE có phiên giao dịch vượt 1 tỷ USD và đạt 23.400 tỷ đồng. Còn HNX cũng ghi nhận giá trị giao dịch hơn 4.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 20 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay và cũng là phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 3,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 17,21 tỷ đồng trên sàn HoSE và 11,32 tỷ đồng trên sàn HNX.

Phiên điều chỉnh sâu 13 điểm vào 27/5 đã khiến nhiều nhà đầu tư chọn yếu tố an toàn, bán bớt cổ phiếu đi để tránh nhịp điều chỉnh sâu. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán đã giúp VNIndex tăng điểm mạnh trong phiên 28/5.

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VNM giảm từ đỉnh 116.000 đồng/cp xuống ngưỡng giá hiện tại. Tuy nhiên, sau thời gian dài điều chỉnh, đà giảm cổ phiếu VNM có dấu hiệu chững lại khi khối ngoại đã quay trở lại, mua ròng cổ phiếu 5 phiên liên tiếp sau quãng thời gian bán ròng. Nhà đầu tư nội cũng lao vào bắt đáy.

{keywords}
Trong dài hạn, năng lực sản xuất và tiềm lực tài chính vẫn được đánh giá là thế mạnh của Vinamilk.

Sự thay đổi này có thể xuất phát từ việc Vinamilk chốt quyền trả cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 6 cũng như hoạt động kinh doanh trở lại ổn định sau quý I/2021 chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo ghi nhận từ CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tổng doanh thu tháng 4 của Vinamilk tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của Mộc Châu Milk (UPCoM: MCM) tăng 13,6% và xuất khẩu tăng 35%.

Theo phân tích đánh giá của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chuỗi ngày điều chỉnh giảm sâu của cổ phiếu VNM đã giúp VNM có định giá hấp dẫn hơn. Trong bản phân tích cổ phiếu VNM, chứng khoán Bản Việt đã khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu VNM với giá mục tiêu khoảng 105.000 đồng. VCSC cho rằng định giá của VNM hiện trở nên hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2021 là 18,5 lần sau khi giá cổ phiếu đã điều chỉnh 15% trong 3 tháng qua so với mức trung bình 5 năm là khoảng 22 lần và trung bình 5 năm khoảng 27 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.

VCSC cũng cho rằng việc giá cổ phiếu VNM điều chỉnh từ đầu năm đến từ áp lực bán mạnh của khối ngoại cũng như lợi nhuận giảm trong quý I/2021. Tuy nhiên, các chỉ số chính của VNM (cụ thể như thị phần, biên lợi nhuận và ROIC) vẫn tốt hơn các công ty cùng ngành.

{keywords}
VNIndex tăng 17 điểm, giá cổ phiếu VNM cũng tăng lên ngưỡng 91.100 đồng/cp

Hưởng lợi từ xu thế chung và tận dụng nền tảng sẵn có

Cổ phiếu VNM lâu nay luôn được giới đầu tư kỳ vọng lớn nhờ tình hình tài chính lành mạnh, nợ vay thấp, lượng tiền mặt khổng lồ và quản trị doanh nghiệp tốt. Doanh nghiệp sữa này hiện vẫn đang là dẫn đầu ngành với việc sở hữu hệ thống các nhà máy và trang trại thuộc hàng khủng, trong đó sữa tươi nguyên liệu từ đàn bò 150.000 con được cho là thế mạnh cạnh tranh.

Vinamilk có lượng tiền mặt dồi dào đáp ứng nhu cầu an toàn tài chính cao. Tính đến thời điểm cuối quý I/2021, Vinamilk có gần 20.741 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi và các khoản tương đương tiền; chiếm 40,6% tổng tài sản.

Riêng xuất khẩu, doanh thu từ xuất khẩu 4 tháng đầu năm của Vinamilk vẫn trên đà tăng trưởng, và nhờ kinh nghiệm trong mảng này, Vinamilk có khả năng tận dụng sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài do dịch Covid-19.

Về ngành, theo số liệu của Euromonitor, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có mức tiêu thụ sữa khá thấp, chỉ với 20 kg/người/năm (trung bình thế giới đạt khoảng 100 kg/người/năm và trung bình tại châu Á đạt 38 kg/người/năm). Đây là cơ hội phát triển cho ngành sữa.

Cũng theo Euromonitor, sản lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng ở mức +9,3%/năm trong giai đoạn 2020 - 2024F, đạt tổng mức tiêu thụ 3,05 triệu tấn sản phẩm vào năm 2024F. Trong đó, ngành hàng được kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao nhất là ngành hàng sữa chua với tốc độ tăng trưởng đạt +12%/năm.

Trong một kịch bản kiểm soát Covid-19 tích cực, SSI Research ước tính tiêu thụ sữa năm 2021 có khả năng tăng 7%. Có thể thấy, dù không thể tránh khỏi các tác động của đại dịch nói chung lên nền kinh tế, ngành sữa vẫn đang có những dự báo tích cực về xu hướng trong tương lai.

Tuyết Nhung