Trong quý I, hai doanh nghiệp viễn thông chủ lực của Bộ TT&TT tiếp tục có nhiều động thái đáng chú ý trong lộ trình tái cơ cấu.

Với VNPT, Tập đoàn này đã chính thức có được Điều lệ hoạt động mới sau khi được Thủ tướng chính thức phê duyệt hôm 7/4 vừa qua. Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động mới này, VNPT có vốn điều lệ 72.237 tỷ đồng, với 71 đơn vị trực thuộc, 2 Công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ là  Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone); 5 công ty con khác và 3 đơn vị sự nghiệp. 

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải (bên trái) yêu cầu doanh nghiệp viễn thông tuân thủ quy định hiện hành về thoái vốn, tránh việc vì khó khăn mà "bán tháo" cổ phần. Ảnh: T.C.

Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn được nêu rõ là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.

Cũng trong khuôn khổ của quá trình tái cơ cấu, tới đây VNPT sẽ tiến hành thoái vốn tại 50 công ty, quỹ, ngân hàng như Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land); Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT); Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam; Công ty Tài chính Bưu điện (PTF)..

Tuy vậy, phát biểu tại Hội nghị Giao ban QLNN Quý I/2016 của Bộ TT&TT sáng nay, 27/4, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết công tác thoái vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cổ phần dù giảm giá tới vài lần vẫn chưa thoái vốn được do nhà đầu tư "nhất quyết" đợi giảm đủ 3 lần mới xem xét chi tiền (Cơ chế hiện nay quy định nếu thoái vốn lần đầu không được thì giảm tiếp 10% và mở đợt thoái vốn lần 2. Nếu vẫn không được sẽ giảm tiếp 10% và thoái vốn lần 3). Ông Hùng đề xuất cơ quan chức năng để cho HĐTV doanh nghiệp chủ động tự quyết và đàm phán với các nhà đầu tư để hiệu quả thoái vốn được cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trả lời đề xuất này của VNPT, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định, đã có rất nhiều cuộc họp của Chính phủ về vấn đề thoái vốn và quan điểm của Chính phủ rất rõ ràng. "Chúng ta cố gắng thoái vốn khỏi những doanh nghiệp không thuộc mảng kinh doanh lõi của mình, nhưng cần xác định không phải thoái vốn bằng mọi giá, phí phạm nguồn lực Nhà nước". Ông yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ quy định hiện hành về thoái vốn, tránh việc vì khó khăn mà "bán tháo" cổ phần, tuy vậy, với những trường hợp quá đặc thù có thể sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Quan điểm này một lần nữa được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tái khẳng định trong phát biểu kết luận Hội nghị. Một mặt yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về thoái vốn, song mặt khác, Bộ trưởng vẫn nhấn mạnh rằng, nếu khó khăn, vướng mắc quá lớn, không thể giải quyết thì Bộ và doanh nghiệp vẫn có thể báo cáo lên Chính phủ. "Năm nay là năm khởi nghiệp quốc gia nhưng thực tế là doanh nghiệp của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính phủ, các Bộ, ngành phải cùng với doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp", Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài VNPT thì cũng trong quý I, Bộ TT&TT đã thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2016-2020 của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC; Xem xét quy chế tài chính và đề xuất cơ chế tiền lương đặc thù cho Tổng công ty Viễn thông MobiFone...Riêng đối với MobiFone, Bộ xác định công tác cổ phần hóa doanh nghiệp này sẽ là trọng tâm công tác của Quý II. Hiện tại, phương án xác định giá trị doah nghiệp đối với MobiFone đã được Bộ trình lên Chính phủ. Ngay sau khi Chính phủ cho ý kiến về phương án này, Bộ và Tổng công ty sẽ bắt tay ngay vào việc hoàn thiện phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, trên tinh thần "tuân thủ đúng quy định, không làm thất thoát tài sản nhà nước, hướng tới hiệu quả cao nhất".

Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải cho biết, liên quan đến nhiệm vụ thoái vốn, Tổng công ty vừa bán được 2 triệu cổ phần của ngân hàng SeABank, còn TPBank vẫn chưa có thêm "tiến triển nào". Trong quý II, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Tổng công ty sẽ tập trung phát triển mạng lưới theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, mở rộng hệ thống bán lẻ, nhất là triển khai dịch vụ truyền hình MobiTV (thương hiệu mới thay thế AVG), đảm bảo kết quả SXKD để duy trì giá trị doanh nghiệp như phương án đã trình Chính phủ.

Chỉ đạo về nhiệm vụ cổ phần hóa MobiFone, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn tiếp tục nhắc lại tinh thần "thận trọng, làm chắc từng bước, bảo toàn nguồn vốn nhà nước" và yêu cầu các đơn vị liên quan đôn đốc, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, đặc biệt là Vụ Quản lý DN phải giao chỉ tiêu tài chính, giám sát hoạt động doanh nghiệp thuộc Bộ một cách sát sao. Trong Quý II, Bộ sẽ phải trình Chính phủ kế hoạch tổng thể về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Nói cách khác, tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa là một nhiệm vụ cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Ngoài ra, trong ba tháng đầu năm, một số đơn vị khác trực thuộc Bộ cũng được tổ chức, sắp xếp lại hoặc thay đổi mô hình cho hiệu quả hơn, chẳng hạn như xây dựng, hoàn thiện Đề án nâng cấp trường Cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt - Hàn thành trường Đại học, Đề án thành lập Khoa truyền thông đa phương tiện trực thuộc Học viện Công nghệ BC-VT; Triển khai Nghị định số 16/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện...

T.C