Tối qua, thấy chồng về nhà, chân đi khập khiễng, chị Phùng Thị Thuỷ - vợ anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người vừa cứu bé gái rơi từ tầng 12A chung cư ở Nguyễn Huy Tưởng, hỏi thì anh bảo “không sao”. Nghe anh kể với mẹ chuyện mình đã cứu một cháu bé, chị cũng chưa kịp hỏi kỹ vì chị không lạ gì tính thương người, tốt bụng từ khi yêu anh đến giờ.
Chỉ đến khi thấy nhà báo 12 giờ đêm vẫn tìm tới tận nhà, chị mới biết chồng mình đã làm một việc khiến cả cộng đồng cảm phục. Người vợ trẻ kể lại: “Từ lúc về đến nhà, anh cứ ngồi nhìn con, đến mức tôi phải mắng chồng: ‘Anh không ngủ đi, cứ ngồi làm gì mãi thế’”.
Đêm qua, sau khi tiếp phóng viên được một lúc, anh Mạnh phải xin phép lên nhà vì con khóc đòi bố. Trằn trọc đến 4 giờ sáng, anh mới chợp mắt được thì 6 giờ sáng các báo đài lại đến đầy nhà.
Chị Thuỷ chia sẻ, suốt đêm anh Mạnh kêu mệt, đau tay, ăn gì nôn ra hết. “Nịnh mãi anh ấy mới ăn được cái bánh mỳ để uống thuốc”, người vợ nói.
Từ sáng tới giờ, chị Phùng Thị Thuỷ (SN 1996) - vợ anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người đã cứu cháu bé rơi từ tầng 12A - liên tiếp nhận các cuộc gọi hỏi thăm của người quen. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Người vợ trẻ cho biết, anh Mạnh vốn dĩ sức khoẻ yếu, bị thoát vị đĩa đệm và gai đốt cột sống, cứ trái gió trở trời là bị đau. “Hôm qua anh mệt, phần vì thời tiết, phần vì vẫn còn bị sốc”.
“Anh bảo, đến giờ anh vẫn còn run. Lúc nhìn thấy bé vắt vẻo trên lan can, anh không nghĩ được gì nhưng khi đã đỡ được bé trên tay, anh mới thấy run bần bật. Lúc ấy bé khóc, miệng chảy máu, nhìn thấy thế anh lại càng sợ, chỉ biết dỗ: "Con ơi, đừng khóc nữa". Anh bảo, lúc ấy anh chỉ nghĩ đến con mình, nếu con mình bị như thế này thì đau xót đến chừng nào”.
Anh Mạnh vốn là người sống rất tình cảm, hay thương người. Ở nhà, anh rất quấn quýt với con gái, hay cưng nựng các bé đến mức nhiều khi chị phải nhắc anh đừng chiều con quá.
Chị Thuỷ sinh năm 1996, quen biết anh Mạnh khi cả hai ở chung một nhà trọ hồi Mạnh vẫn còn mở salon tóc ở Ngã Tư Sở, còn Thuỷ là giáo viên mầm non.
Yêu nhau chỉ 3-4 tháng, 2 người tiến tới hôn nhân rất nhanh như lời chị Thuỷ nói đùa là “đánh nhanh thắng nhanh”. Về sau, khi chị hỏi anh tại sao lại muốn cưới sớm thế, anh tâm sự: “Ngày xưa anh cũng không thích lấy vợ nhưng gặp em thì không biết tại sao, tự dưng sợ mất”.
Suốt 4 năm chung sống, có với nhau 2 đứa con, Mạnh vẫn cư xử nhẹ nhàng và tình cảm như thế với vợ con. “Tôi yêu và thương anh ấy vì tính tốt bụng, thương người của anh ấy. Nhưng khi đã lấy nhau, chính tính cách ấy cũng không ít lần khiến tôi bực mình, nói mãi mà anh ấy vẫn không nghe”.
Bà mẹ 2 con kể, vì chồng tốt tính quá nên hay bị người ta lợi dụng. “Có những lần làm ăn chung với bạn bè, người ta bảo chi tiền cho cái này cái kia, anh ấy cũng không đòi xem lại sổ sách mà đưa tiền cho người ta luôn. Lúc đó, nhà khó khăn, không có sẵn tiền, phải đi vay.
Về sau chuyện qua rồi, tôi có hỏi lại thì anh bảo: "Anh biết thừa nhưng anh nghĩ người ta không có nên mới làm thế". Tôi cãi lại: "Người ta còn giàu hơn anh". Anh lại nói: "Thôi, coi như mình cho người ta. Mình sẽ được ông Trời cho những niềm vui khác". Lúc nào anh cũng nói câu ấy”.
Căn nhà của vợ chồng anh Mạnh được xây từ số tiền tích cóp sau 5 năm anh Mạnh sang Nhật xuất khẩu lao động. Ảnh: Lê Anh Dũng |
“Nhiều lần anh giúp mọi người, cũng giúp rất nhiệt tình, không nghĩ gì đến sức khoẻ bản thân, chẳng biết lượng sức mình cho đỡ vất vả. Vì thế nên anh đi làm, nhất là lại lái xe tải như này, tôi rất lo”, chị Thủy nói thêm.
Trước đây, khi chưa có con, chồng làm tóc, vợ đi dạy, gia đình vẫn túc tắc đủ ăn nhưng từ khi có con, nghề tóc không đủ nuôi con, Mạnh chuyển sang lái xe tải. Đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có hàng xóm sang nhà nhờ anh cắt tóc. Mọi người trả tiền nhưng anh không lấy, ai cố đưa thì anh nhận 20 nghìn đồng.
“Mọi người bảo bây giờ giá tăng rồi, muốn đưa thêm nhưng anh bảo chỉ lấy thế thôi. Rồi bọn trẻ con vào cắt tóc, anh hay hỏi được danh hiệu học sinh gì. Đứa nào là học sinh giỏi, anh cắt tóc miễn phí cả năm”, chị Thủy nói thêm.
Nhiều lúc nhớ nghề, Mạnh vẫn mang chiếc tông-đơ bên mình, thấy ai cần thì cắt miễn phí luôn. Khi chuyển sang nghề lái xe tải, ban đầu anh không nhận khuân vác hàng, nhưng sau muốn kiếm thêm hộp sữa cho con, anh nhận cả việc ấy. Nhưng anh cũng chỉ lấy rẻ, nhiều khi không lấy tiền.
“Anh ấy thường đi từ sáng đến tối mới về. Nhiều khi ngồi cả ngày không ai gọi nhưng lúc sắp về lại có khách gọi. Anh nhận hết các loại hàng hoá, kể cả đi tỉnh, nên nhiều khi bố con không mấy khi gặp nhau. Bố đi từ lúc con chưa ngủ dậy, bố về thì con đã ngủ rồi”.
Chị Thuỷ nhớ một lần 2 vợ chồng to tiếng với nhau chỉ vì chuyện anh quá thương người. “Có một sự việc được cảnh báo trên cả tivi về một người phụ nữ hằng ngày dắt 1 đứa trẻ giữa trời nắng chang chang trên chiếc cầu anh Mạnh vẫn đi làm qua. Chị ta lợi dụng lòng tốt của mọi người để nhận tiền. Nhưng lần nào đi qua chiếc cầu ấy, chồng tôi cũng cho chị ấy tiền.
Tôi bực mình quá có cằn nhằn với anh ấy mãi. Anh ấy bảo, anh biết là người phụ nữ kia lừa đảo vì ngày nào anh cũng thấy người ta cũng dắt đứa bé vào đúng giờ đó. Anh cho tiền vì thương đứa bé, chứ không phải vì tin người phụ nữ kia. Tôi có nói lại: "Anh thử không cho người ta 1 ngày thôi, để tiền đấy mang về thì con anh mua được thêm 2 cái bỉm, có phải em đỡ khổ không?". Anh trả lời: "Anh biết nhưng thôi, vợ cố gắng’”.
Có lần, anh xin vợ 5 nghìn đồng, chị hỏi anh lấy tiền làm gì, anh bảo để mua bánh mỳ kẹp thịt. Công ty cho 30 nghìn đồng tiền ăn trưa thì anh biếu người phụ nữ ấy mất 20 nghìn, chỉ còn 10 nghìn đủ ăn cái bánh mỳ. “Anh bảo xin thêm 5 nghìn để mua bánh mỳ kẹp thịt hoặc ăn bánh mỳ uống hộp sữa” – chị Thuỷ phì cười khi nhắc lại câu chuyện.
Chị nói, thời điểm ấy, anh đang chạy xe thuê cho người ta, kinh tế gia đình rất bí bách. Mỗi tháng thu nhập của anh là 6 triệu đồng nhưng trừ đầu trừ đuôi, nhiều tháng chỉ có 3-4 triệu mang về.
“Tôi còn nhớ tháng lương đầu tiên của anh là hơn 1,7 triệu đồng”. Vì thế mà thấy anh nhiều lần cho tiền người dưng, chị thấy rất bực mình.
Nói mãi chồng không nghe, chị kể chuyện cho mẹ chồng, hy vọng mẹ nói thì anh nghe. Nhưng bị mẹ mắng, anh cũng chỉ im lặng, bảo: “Mẹ cứ kệ con”. Nghe vợ cằn nhằn nhiều quá, anh cáu với vợ: “Anh nói lần cuối cùng nhé, là anh thương đứa bé nên em đừng có nói nhiều nữa”.
Lần đầu tiên thấy chồng trợn mắt, nói to với vợ, chị Thuỷ biết cảm xúc của chồng “đang lên đến đỉnh điểm rồi” nên chị im lặng.
Anh Mạnh và chị Thuỷ đã kết hôn được 4 năm và có 2 cô con gái. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Mặc dù hay cằn nhằn chuyện chồng “dại” ngoài xã hội, nhưng chị khen anh là người rất chăm chỉ. Hồi còn chạy xe thuê cho công ty bên Gia Lâm, công ty yêu cầu 7 giờ phải có mặt, nhưng nhiều hôm bận giúp vợ việc này việc kia, anh đến muộn.
Làm một thời gian lương thấp quá, chị hỏi sao anh vẫn cứ làm ở đấy thì anh bảo: “Trước mắt, vợ con anh đủ ăn đã rồi tính sau”. Bây giờ, đúng ra anh vẫn phải đi châm cứu nhưng vì mải làm quá mà anh chưa đi được.
Chị cũng cười bảo, ngày xưa có chuyện gì về anh hay kể với vợ nhưng từ ngày thấy vợ hay cằn nhằn nên không thấy anh kể những chuyện đấy nữa.
Đêm qua, con gái thứ 2 tỉnh giấc, anh bảo: “Vợ cứ ngủ đi để anh bế con cho”, nhưng chị nói: “Chồng đau thế thì làm sao em ngủ được”.
Nhiều lúc chị trêu chồng: “Vợ đẻ 2 đứa xong mà còn khoẻ hơn cả chồng”, vì anh cứ trời trở gió là sụt sùi ốm. Thế nhưng, khi chị ngỏ ý muốn đi dạy trở lại, anh vẫn ngăn, bảo vợ cứ ở nhà chăm con cho tốt, anh cố một tí thêm phần của vợ. Thuyết phục mãi, anh mới đồng ý. Ngày mai cũng là ngày đầu tiên chị đi làm trở lại sau thời gian ở nhà sinh đẻ và chăm con.
Về phần cháu bé, người nhà cháu đã gọi cho anh sáng sớm nay, ngỏ ý xin địa chỉ để đến tận nhà cảm ơn anh. Nhưng anh bảo không cần, anh nhận lời cảm ơn là vui rồi. “Chồng tôi nói: "Anh vẫn tiếc vì không thể làm gì để cháu bé đỡ đau hơn", chị Thủy kể.
Xem thêm video: Anh Mạnh kể lại phút cứu cháu bé rơi từ tầng 12A Chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội)
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Vụ bé rơi từ tầng 12: Ở chung cư cần lưu ý điều này để con trẻ an toàn
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi sống tại các căn hộ, chung cư cao tầng, phụ huynh nên chọn thiết kế ban công đạt chiều cao tối thiểu 1,4 m, cửa sổ làm song, lưới chắn an toàn…
Mẹ người hùng cứu bé rơi từ tầng 12A: Mạnh làm theo tiếng gọi của tình phụ tử
“Con tôi làm theo tiếng gọi của tình phụ tử. Con cũng có con gái bằng tuổi em bé bị rơi. Nhìn thấy tình huống đó, bất cứ ông bố nào cũng sẽ dang tay ra”, mẹ anh Nguyễn Ngọc Mạnh, chia sẻ.