Nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của các công ty ăn nên làm ra nên mỗi khi mùa cổ tức đến, nhiều ông chủ doanh nghiệp nhận được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng từ cổ tức.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) là người được “thưởng” nhiều nhất khi Vingroup chi trả cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 14% và tạm ứng cổ tức năm 2015 cũng bằng cổ phiếu tỷ lệ 11,8%.
Trong thời gian vừa qua, Vingroup đã phát hành 376,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông (tổng tỷ lệ chi trả 25,8%). Với việc nắm giữ tỷ lệ cổ tức cao, gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng là những người nhận được nhiều lợi tức nhất.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup |
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng đã nhận được 109,2 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức này, nâng lượng sở hữu từ 423,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 29,01%) lên 532,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 28,9%). Ngày thay đổi sở hữu 22/7/2015.
Bà Phạm Thu Hương, vợ ông Vượng, người đang nắm giữ “ghế” Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup đã nhận 18,8 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức năm 2014 và quý 1/2015 bằng cổ phiếu, nâng lượng nắm giữ từ gần 73 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5%) lên 91,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,99%).
Mặc dù số lượng cổ phiếu tăng mạnh nhưng bà Hương không còn là cổ đông lớn của VIC do thay đổi tỷ lệ sở hữu khi Vingroup thay đổi số lượng cổ phiếu lưu hành.
Tổng cộng vợ chồng ông Vượng đã nhận 128 triệu cổ phiếu từ đợt trả cổ tức này của Vingroup. Tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu VIC ngày 29/7, 128 triệu cổ phiếu VIC tương đương 5.530 tỷ đồng.
Hiện tại, ông Vượng vẫn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên tới 23.000 tỷ đồng. Vợ ông Vượng đứng ở vị trí thứ tư với giá trị cổ phiếu đạt 3.966 tỷ đồng.
Xét về tỷ lệ cổ tức, Công ty Cổ phần Kinh Đô gây chú ý nhất trên thị trường khi quyết định chi trả cổ tức lên tới 200%. Điều đáng nói, cổ tức được trả bằng tiền mặt. Đây là khoản “thưởng” mà Kinh Đô dành cho cổ đông sau khi Kinh Đô bán được 80% mảng bánh kẹo cho đối tác Mỹ.
Thông tin này khiến cổ đông Kinh Đô sôi sục, đẩy mạnh mua vào cổ phiếu KDC khiến KDC tăng trần trong phiên 28/7 với khối lượng giao dịch tăng vọt.
Thế nhưng, cổ đông nhỏ chỉ hưởng lợi phần nào từ cổ tức “khủng”. Các ông chủ Kinh Đô mới là người nhận hàng trăm tỷ đồng.
Trong đợt trả cổ tức này, ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh Đô được nhận 336 tỷ đồng tiền mặt. LàChủ tịch HĐQT Kinh Đô nhưng ông Trần Kim Thành chỉ nắm giữ 276.000 cổ phiếu KDC nên cổ tức mà ông Thành nhận được chỉ là 5,5 tỷ đồng.
Giữa tháng 7, Tập đoàn Hòa Phát cũng gây chú ý khi công bố lãi hợp nhất 6 tháng đầu năm ước đạt 1.902 tỷ đồng và để ngỏ khả năng tăng cổ tức lên 30%. Trước đó, Đạia hội cổ đông thường niên 2015 của HPG đã thông qua tỷ lệ cổ tức 2015 chỉ là 20%.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát sẽ nhận được 553 tỷ đồng từ cổ tức. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long sẽ được chi trả 139 tỷ đồng.
NCT của CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội bài - NoiBaiCargo chưa phải là “thế lực lớn trên thị trường chứng khoán nhưng với kết quả kinh doanh ổn định, NCT thường xuyên được giao dịch ở mức giá rất cao, hơn 100.000 đồng/CP.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi NoiBaiCargo chi trả mức cổ tức cao ngất ngưởng. Ngày 10/8, công ty sẽ chốt danh sách tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 50% (01 cổ phiếu nhận 5.000 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến ngày 4/9/2015. Như vậy NCT sẽ chi khoảng 130 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho các cổ đông.
Là cổ đông lớn nhất, nắm giữ tới Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) 55,13% vốn NoiBaiCargo, Vietnam Airlines nhận được 72 tỷ đồng cổ tức từ NoiBaiCargo. Điều đáng nói, đây chỉ là cổ tức đợt 1/2015.
Theo VTC