Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược kể, một tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời các nhà kinh tế hàng đầu là Trần Đức Nguyên, Hà Nghiệp và ông đến nhà ăn cơm để tham khảo ý kiến về việc thành lập tổ tư vấn của Thủ tướng. Họ về nghiên cứu mô hình tổ tư vấn ở các nước khác và kiến nghị cơ chế tổ tư vấn 4 không: không chức vụ, không lương, không lợi ích và không sinh hoạt ở Văn phòng Chính phủ để giữ quyền nói trái ý lãnh đạo.
Tổ tư vấn đã tập hợp được nhiều nhà kinh tế, trí thức của đất nước. Tổ họp mỗi tuần một lần vào sáng thứ Sáu và ông Kiệt trực tiếp nghe. Nhiều ý tưởng đã được Thủ tướng tiếp thu, thực hiện như cấm đốt pháo, làm đường dây 500kv Bắc – Nam, con đường phát triển đất nước, hội nhập quốc tế...
Ông Nguyễn Thái Nguyên, nguyên Thư ký kể lại, khi ông Kiệt ban hành lệnh cấm đốt pháp, có 2 phóng viên nước ngoài đã ở lại Hà Nội dịp Tết. Họ tìm gặp ông Thái Nguyên và nói: “Chúng tôi xem lệnh cấm đốt pháo của ông Kiệt có giống như lệnh cấm uống rượu của ông Gióc ba chốp hay không”. Ông Thái Nguyên về kể với Thủ tướng chuyện này, và trên thực tế là lệnh cấm đốt pháo đã được thực hiện suốt từ đó đến nay, chấm dứt các vụ tai nạn thương tâm, đau đớn do đốt pháo, vận chuyển pháo trong dân.
Người dẫn chương trình trong buổi lễ ra mắt cuốn sách, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể thêm: “Thủ tướng rất quan tâm cho đời sống của người dân Bình Đà (nơi sản xuất pháo). Ông họp các bộ, ngành để tìm giải pháp cho họ chuyển đổi nghề. Điều đó thể hiện ông rất chăm lo người dân”.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo kể, hồi đó xuất hiện quan điểm rất mạnh mẽ về nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa. Ông Thọ nói: “Tuy nhiên, Thủ tướng nói nguy cơ tụt hậu mới là lớn, là nghiêm trọng nhất”.
Giáo sư hồi tưởng: “Ông nói, bây giờ chúng ta không thể chỉ đặt ra vấn đề của Việt Nam như chuyện trong nhà mà phải là chuyện ganh đua với thế giới. Việt Nam phải hội nhập chứ không thể khư khư giữ cái cũ”.
“Thủ tướng nói, làm sao để Việt Nam theo kịp các nước khác. Việt Nam đã mất bao năm chiến tranh, thực hiện mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp quá lâu, mất nhiều cơ hội nên nguy cơ tụt hậu mới là nghiêm trọng nhất. Từ đó phải củng cố nội lực, phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước”.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh nói, nhiều người đã biết câu nói của ông trong những ngày thống nhất "có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”, nhưng câu nói này của ông cũng rất đáng nhớ “Chiến thắng này là của toàn dân tộc chứ không phải của riêng ai”. Bà nói: Nói được như vậy thể hiện tầm vóc của ông. Ông luôn nghĩ đến dân tộc, hòa giải, hòa hợp dân tộc”.
Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt kể, Thủ tướng mất 2 năm nghiên cứu, thảo luận với quyết tâm Việt Nam tự làm đường dây 500kv Bắc Nam. Tổng Bí thư Đỗ Mười ủng hộ quan điểm Việt Nam tự xây dựng đường dây này của Thủ tướng “từ đầu đến cuối".
“Ông Kiệt làm đường dây có thực tế, căn cứ khoa học, có nhất trí của lãnh đạo cấp cao, tôn trọng kỉ luật. Ông dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong khuôn khổ kỷ luật của tổ chức. Chúng tôi gần ông, thấy ông ấy dám làm trên cơ sở có điều tra nghiên cứu, có thực tế cuộc sống, học tập kinh nghiệm chuyên gia, trí thức chứ không dám làm tùy tiện”.
“Ông Sáu Dân để lại di sản về tinh thần và vật chất. Di sản tinh thần quý báu nhất là lòng thương, dân thương nước. Thương dân không chỉ nói suông mà ông luôn đi đôi với việc làm. Ông gần dân, học dân, tin dân và phát huy sức mạnh của dân, tất cả vì dân”, ông Tuấn nói.
"Tôi có 10 năm phục vụ ông như một người thầy, người anh mà thực sự tôi chưa hiểu hết tầm vóc và trí tuệ, nhân cách của ông ấy. Còn phải học nhiều hơn nữa, ông ấy sâu lắm, tầm lớn lắm. Cái tâm tầm tư duy chiến lược ông ấy rộng lớn, đạo đức nhân cách sâu sắc. Chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa về con người, hiện tượng Võ Văn Kiệt trong lịch sử dân tộc ta".
Lan Anh - Tư Giang