Gần 31 nghìn đồng bào các DTTS được tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi

Cùng với các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chính sách tín dụng cho đồng bào DTTS có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những năm gần đây, đời sống của bà con dân tộc Vân Kều (Quảng Trị) ngày một cải thiện hơn... 

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Ngay sau khi có Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để triển khai trong toàn hệ thống với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 628 phòng giao dịch cấp huyện. 

Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai phương thức cho vay trực tiếp có uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua 4 tổ chức gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức giao dịch tại 10.443 điểm giao dịch xã. 

Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức thành lập 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, ấp, bản, làng. Từ đó, đã giúp các đối tượng vay vốn được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thuận lợi, tiết giảm thời gian và chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội trong tổ chức thực hiện chính sách xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 30/6/2023 đã có gần 31 nghìn lượt khách hàng là đồng bào các DTTS vay vốn trên 1.564 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt trên 1.121 tỷ đồng; dư nợ đạt 3.460 tỷ đồng với trên 86 nghìn hộ còn dư nợ. Bình quân 01 hộ DTTS dư nợ đạt trên 50 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 45 triệu đồng.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi thực hiện một số nội dung của Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án 3: phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, kết quả giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tính đến ngày 30/6/2023, ngân hàng đã cho 30.912 lượt khách hàng vay 1.564,1 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 18,5 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.545,6 tỷ đồng với 29.906 khách hàng dư nợ. Trong đó: cho 522 lượt khách hàng vay 24,67 tỷ đồng hỗ trợ đất ở; gần 17 nghìn lượt khách hàng vay 680,44 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở; gần 2 nghìn lượt khách hàng vay 113,35 tỷ đồng hỗ trợ đất sản xuất; hơn 11 nghìn lượt khách hàng vay 721,9 tỷ đồng chuyển đổi nghề; 99 lượt khách hàng vay 5,25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng DTTS và miền núi

Đánh giá về nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: “Những năm qua, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai như: chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... 

Ngoài ra, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành riêng cho đồng bào DTTS và theo từng vùng miền”. 

Như tỉnh Đắk Lắk, đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã “vươn” đến 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn địa bàn tỉnh. Nhờ đó, 74.999 khách hàng là đồng bào DTTS đã có điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững với dư nợ tín dụng đạt gần 2.548 tỷ đồng.

Tại Bắc Giang, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà nhiều gia đình có điều kiện cải tạo nhà ở, có việc làm ổn định để nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Tính đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã giải ngân cho vay đối với 348 khách hàng với số tiền hơn 19,6 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở là 232 hộ với gần 9,3 tỷ đồng; cho vay chuyển đổi nghề cho 116 hộ với số tiền gần 10,4 tỷ đồng. 

Tỉnh Bắc Giang cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, toàn tỉnh sẽ hỗ trợ cải tạo nhà ở cho 884 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.108 hộ; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Sơn Động.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, qua đánh giá tại các địa phương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các DTTS như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất; đặc biệt là ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực. 

Từ những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định chính sách tín dụng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một “trụ cột” quan trọng trong các chính sách giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho hay, việc triển khai thực hiện chính sách trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc. 

Những khó khăn và vướng mắc đó theo ông Hầu A Lềnh, đã phần nào hạn chế đến hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cần phải được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV