- Ngày 28/7, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho các bị cáo trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam. Nguyên PGĐ doanh nghiệp này đã nói lời xin lỗi các bị hại và xin đổi tội danh cho mình.
"Bị cáo chỉ làm công ăn lương..."
Như VietNamNet đã thông tin, từ 4/2011 đến 2/2012, công ty Phương Nam đã dùng hàng tồn kho để thế chấp tại 5 ngân hàng (LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và ABbank Bạc Liêu) để vay vốn.
Đại diện VKS luận tội các bị cáo |
Ngày 10/6/2012, Trịnh Thị Hồng Phượng - Nguyên Phó GĐ công ty CP chế biến thực phẩm Phương Nam đã ký văn bản không số, cam kết hàng tồn kho đông lạnh trị giá 500 tỷ đồng, đảm bảo vay 250 tỷ đồng tại LPB Hậu Giang là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (DN), từ đó có thể thế chấp ở bất cứ tổ chức tín dụng nào.
Với thủ đoạn trên, công ty Phương Nam đã được 8 ngân hàng chấp thuận cho vay hơn 16.000 tỷ đồng (trong vòng 4 năm - PV). Tuy nhiên, thực tế DN này chỉ sử dụng vốn vay đúng mục đích gần 6.000 tỷ đồng.
Số tiền còn lại sử dụng không đúng mục đích như: đảo nợ ngân hàng, trả tiền lãi vay giữa các ngân hàng với nhau.
Theo cáo trạng VKS truy tố, Phượng khai nhận, ông Lâm Ngọc Khuân (nguyên Chủ tịch HĐQT) có hứa cho Phượng 10% cổ phần góp vốn vào công ty TNHH KM Phương Nam.
Tài liệu xác minh cho thấy, công ty KM Phương Nam đăng ký kinh doanh lần đầu vào 30/8/2007, thành viên góp vốn không có Trịnh Thị Hồng Phượng.
Đến ngày 8/12/2011, doanh nghiệp này thay đổi giấy phép kinh doanh lần thứ 7, nâng vốn điều lệ 110 tỷ đồng và bổ sung các thành viên góp vốn.
Công ty Phương Nam góp 25,6% (28,2 tỷ đồng), Lâm Ngọc Khuân 29,9% (32,9 tỷ đồng), Trần Thị Mỹ góp 17,3% (19,1 tỷ đồng), Lâm Ngọc Khoa góp 17% (18,7 tỷ đồng) và Trịnh Thị Hồng Phượng góp 10% (11 tỷ đồng).
Luật sư Nguyễn Khánh Trang đề nghị đổi tội danh cho bị cáo Phượng |
“Số tiền góp 10% là 11 tỷ đồng, Phượng không có nộp mà là tiền do ông Khuân ứng vốn vay ngân hàng cho công ty Phương Nam để chuyển góp vốn vào Công ty TNHH KM Phương Nam. Phượng chỉ làm công ăn lương, không hưởng lợi bất kỳ nào khác từ ông Khuân” – cáo trạng VKS thể hiện.
PGĐ xin lỗi các bị hại và xin đổi tội danh
Luật sư (LS) Nguyễn Khánh Trang bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng cho rằng, VKS truy tố bị cáo Phượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa đủ căn cứ.
Theo quy định tại điều 139 Bộ luật Hình sự, tội lừa đảo là phạm tội cố ý dịch chuyển những tài sản trái phép đang thuộc quyền sở hữu của người khác thành tài sản của mình.
Bị cáo Trịnh Thị Thị Hồng Phượng xin lỗi các bị hại liên quan trước tòa |
Cụ thể, bị cáo Phượng là người làm công ăn lương, không có sự thỏa thuận trước với ông Lâm Ngọc Khuân (chủ doanh nghiệp - PV) để đưa hàng hóa tồn kho đem thế chấp cho ngân hàng.
Tuy bị cáo Phượng ký 2 báo cáo tài chính năm 2009, nhưng thực tế chỉ ký một bản gửi cho Ngân hàng Nông nghiệp (Sóc Trăng) và 1 bản cho Ngân hàng An Bình (Bạc Liêu).
Bị cáo Phượng không có ý thức gian dối để thực hiện hành vi lừa đảo, việc ký 2 bản báo cáo tài chính là do ủy quyền của GĐ Lâm Ngọc Hân (con ông Khuân - PV).
“Số tiền bị cáo Phượng ký vay là dùng để trả chi phí doanh nghiệp, công nhân, lãi ngân hàng. Trước và sau khi ký bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tài sản ngân hàng. Bị cáo dùng tiền vay sử dụng đúng pháp luật, không gian dối, tư túi riêng. Tôi cho rằng, bị cáo trong vụ án này cũng bị lừa…” – LS Trang nói
LS Trang đề nghị HĐXX đổi tội danh cho bị cáo Phượng từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang tội “Vô ý gây thiệt hại tài sản cho người khác”.
Khi được HĐXX cho phép bổ sung phần bào chữa trước tòa, bị cáo Phượng đã không kìm được cảm xúc, khóc nức nở trước vành móng ngựa.
“Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không lấy tiền vay tư túi cá nhân. Trong quá trình làm việc, bị cáo cố gắng làm tốt công việc của mình và được công ty cân nhắc bổ nhiệm làm phó giám đốc. Lúc giám đốc đi công tác không có ở công ty, bị cáo được ủy quyền ký một số hồ sơ có liên quan đến ngân hàng. Bị cáo ký trong ủy quyền, không biết ký những văn bản đó đã gây thiệt hại cho các ngân hàng.
Toàn cảnh phiên tòa
sáng 28/7 |
Bản thân bị cáo không thỏa thuận, cấu kết với ông Lâm Ngọc Khuân để lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Sai lầm của bị cáo chỉ là lỗi vô ý.
Bị cáo thành thật xin lỗi các bị hại cũng như các ngân hàng liên quan. Trong vụ án này, bị cáo cũng chỉ là nạn nhân của ông Khuân. Bị cáo nghĩ việc tận tâm, tận lực với công ty mà bị đề nghị xử mức án cao như vậy thì quá oan ức... Bị cáo xin HĐXX và ủy viên công tố xem xét sửa đổi tội danh” – bị cáo Phượng khẩn thiết trước tòa.
Quốc Huy