Năm 1897, trước sông Enisei, con sông dài 5.539km của nước Nga và dài thứ 5 trên thế giới, Vladimir Ilyich Lenin đã nói: “Cái sức mạnh vô bờ này sẽ được sử dụng, người ta sẽ biến sức mạnh ấy thành lực chuyển động, thành ánh sáng, thành năng lượng. Cùng với thời gian một cuộc sống tràn đầy trí tuệ, dũng mãnh sẽ rực chiếu đôi bờ con sông này”.
Điện khí hóa để xây dựng chế độ Xô viết
Năm 1920, Hội đồng Uỷ viên Nhân dân nước Nga Xô viết quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia Điện khí hóa toàn Nga (GOELRO). Lenin khi đó đã đưa ra một khẳng định nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản bằng chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”.
Lenin nhận định: “Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn”.
Lenin cũng nhấn mạnh: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp”.
Vladimir Ilyich Lenin. Ảnh: Sputnik |
Viết thư trả lời Gleb Krzizanovsky (1872 - 1959), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), Lenin tin tưởng: “Chừng mười năm nữa chúng ta xây dựng 20 đến 30 nhà máy phát điện trong một vùng bán kính 400 dặm, chạy bằng than, nước, than đá, dầu mỏ... Sau 10 năm ta làm cho nước Nga điện khí hóa hoàn toàn”.
Trên thực tế, nhà máy thủy điện là nơi tạo một khối lượng điện năng khổng lồ đủ để cung cấp cho cả một vùng miền rộng lớn nhưng lại có nhiều ưu điểm.
Chẳng hạn, nhà máy thủy điện có tuổi thọ cao (khoảng 100 năm hoặc lớn hơn), các chi phí bảo dưỡng cũng rất ít so với các loại hình khác. Việc sản xuất ra điện năng từ dòng nước không chỉ giúp giá thành rẻ mà còn không gây ô nhiễm không khí, không xả thải những chất độc hại ra môi trường.
Hơn nữa các hồ chứa còn lưu trữ được một lượng nước khổng lồ, hoàn toàn có thể vượt qua được mùa khô, đảm bảo luôn cung cấp đủ điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những ưu điểm này giúp cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Nga Xô viết và sau này là Liên Xô trở nên thuận lợi hơn.
Liên Xô nhanh chóng phát triển kinh tế
Dniepr là một con sông lớn chảy qua Ukraina. Con sông này với hàng loạt những nhà máy thủy điện được xây dựng đã trở thành biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Liên Xô.
Đầu tiên là nhà máy thủy điện DneproGES được xây dựng trong những năm 1927-1932 với công suất 558MW. Nhà máy này đã bị phá hủy hoàn toàn trong Chiến tranh thế giới thứ hai và năm 1948 nó được xây dựng lại và công suất của nó tăng lên tới 750MW.
Tiếp đó, trên con sông Dniepr, nhiều nhà máy thủy điện khác cũng được xây dựng. Nhà máy thủy điện Kremenchuk được xây những năm 1954–1960, nhà máy thủy điện Kiev được xây dựng trong các năm 1960–1964, nhà máy thủy điện Dneprodzerzhinsk được xây dựng trong các năm 1956–1964 và nhà máy thủy điện Kanev được xây trong các năm 1963–1975.
Con sông Dniepr đã trở thành biểu tượng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Liên Xô |
Nhờ đó, Liên Xô đã xây dựng được một loạt các tổ hợp công nghiệp khổng lồ ở dọc sông Dniepr.
Nhà thơ Liên Xô S.Marshak đã làm bài thơ “Nói với sông Dniepr” để ca ngợi các công trình thủy điện trên con sông này: “Con người nói với sông Dniepr/ Ta sẽ chắn ngươi bằng tường thép/ Để từ trên cao/ Ngươi chảy xuống/ băng băng/ Cho tàu chạy/ nhanh hơn/ Cho máy chạy/ không ngừng/ Để từ nay/ Nước dòng sông/ không còn trôi/ vô ích/ Mà sẽ mang/ bánh mì, điện, than/ Cho dân ta dùng thoả thích/ Để trên đồng/ vang xa/ tiếng máy cày, máy nổ/ Để điện sáng suốt đêm/ trong nhà/và ngoài phố”.
Khó có thể phủ nhận sự đóng góp của thủy điện vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Liên Xô. Nếu năm 1928, Liên Xô chỉ có 5 tỷ kWh điện thì đến năm 1932 đã đạt 36,2 tỷ kWh điện trong đó nguồn điện từ nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn. Nhờ đó, sau Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932), Liên Xô đã có được nền công nghiệp nặng với kỹ thuật tiên tiến, xây dựng 1.500 xí nghiệp, chủ yếu là loại lớn và hiện đại.
Năm 1935, Liên Xô đã khởi công giai đoạn đầu tiên của tuyến tàu điện ngầm Moscow với tổng chiều dài 11,2km, một công trình hiện đại thời bấy giờ và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Đến năm 1937, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã chiếm 77,4% tổng sản phẩm kinh tế quốc dân và đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chiếm 14% sản lượng công nghiệp toàn thế giới).
Con sông Dniepr nổi tiếng bởi những nhà máy thủy điện |
Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận.
Càng về sau, Liên Xô càng đẩy mạnh việc xây dựng những nhà máy thủy điện. Kết quả là đến năm 1965, sản lượng điện của Liên Xô đã đạt 507 tỷ kWh. Tiếp đó, trên sông Angara, Liên Xô đã khánh thành hai nhà máy thủy điện khổng lồ.
Đó là nhà máy thủy điện Bratsk với công suất 4.515MW khánh thành năm 1967 và nhà máy Thủy điện Ust-Ilimsk với công suất 3.840MW khánh thành vào năm 1974. Trên sông Enisei, Liên Xô cũng khánh thành nhà máy thuỷ điện Krasnoyarsk với công suất 6.000MW vào năm 1972 và đến năm 1978, Liên Xô cũng cho khánh thành nhà máy thủy điện Sayano-Shushenskaya với công suất 6.400 MW.
Do đó, đến những năm 1970, các nông trang và nông trường đều được điện khí hoá khiến người nông dân Liên Xô thay đổi hoàn toàn đời sống lao động. Đặc biệt, đến năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp Liên Xô đã tăng 321 lần so với năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân cũng tăng 112 lần. Năm 1975, chỉ cần 2 ngày rưỡi, Liên Xô đã sản xuất ra lượng sản phẩm bằng cả năm 1913 (năm cao nhất của Đế quốc Nga cũ).
Bên cạnh đó, từ năm 1960 đến năm 1970, Liên Xô đã giúp đỡ kỹ thuật cho các nước xã hội chủ nghĩa xây dựng mới và trang bị lại hơn 500 cơ sở công nghiệp và nông nghiệp lớn. Từ năm 1976 đến năm 1983, Liên Xô đã xuất sang các nước xã hội chủ nghĩa 378 tấn dầu mỏ, hơn 90 tỷ mét khối khí đốt và 64 tỷ kWh điện.
Nguyễn Văn Toàn
Những con số lột tả sự thật khủng khiếp về đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc là công trình gây nhiều tranh cãi không chỉ ở nước này mà cả trong khu vực và trên thế giới.
Đập Tam Hiệp, công trình tham vọng đầy tai tiếng của Trung Quốc
Trung Quốc đã tốn nhiều tiền của và công sức để xây dựng cũng như duy trì đập Tam Hiệp, công trình kiến trúc đồ sộ từng được ví như "Vạn Lý Trường Thành thứ 2".