Đó là chia sẻ của Chef Phạm Tuấn Hải khi nói về nước mắm - loại gia vị đặc biệt của Việt Nam tại toạ đàm Nước mắm Việt - Nâng tầm ẩm thực Việt, ngày 30/9.

Nước mắm Việt là “di sản truyền khẩu”, được cấu thành từ cá biển và muối ủ chượp nhiều tháng mới “nhỉ” ra dòng nước tinh khiết vàng sánh tạo nên hương vị đậm đà tự nhiên. 

Từ thế kỷ X, nước mắm đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong chế biến món ăn phục vụ đời sống hàng ngày. Do vậy, nước mắm mặc nhiên đã là Di sản trong lòng dân gian.

Nói về giá trị lịch sử hành trình của nước mắm Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Ngay từ thế kỷ X, Việt Nam đã là quốc gia sản xuất và biết dùng nước mắm để chế biến và làm gia vị cho món ăn. Chính điều này đã làm bước đệm và tiền đề cơ bản cho dòng món ăn Việt Nam phát triển bền vững”.

Nước mắm - gia vị không thể thiếu trong các món ăn Việt Nam. Ảnh: Tâm An

Theo ông Lê Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, nước mắm là một nguyên liệu lưỡng dụng được người dân sử dụng qua hình thức ăn trực tiếp và chế biến (làm gia vị). Với những người đi biển, nước mắm trở thành vị thuốc, bởi khi uống trực tiếp một ít nước mắm có thể chống lạnh, tăng cường sinh lực, cân bằng nhiệt độ cho cơ thể.

Trong hầu hết các món ăn Việt, nước mắm là một gia vị chính. Đỉnh cao của nước mắm chính là hồn cốt của món ăn. Đây là loại gia vị “quốc hồn quốc túy” của người Việt trong mỗi bữa ăn, là niềm tự hào trong tâm thức mỗi người con đất Việt khi nhắc đến ẩm thực quê hương, ông chia sẻ.

Tại toạ đàm, Chef Phạm Tuấn Hải nhấn mạnh, trong gia vị dành cho mỗi món ăn, nước mắm đa phần đóng vai trò chính. Mỗi khi thực hành, ngoài việc chế biến món ăn còn có cả những câu chuyện, thông điệp văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam. 

Ông Hải thừa nhận, lâu nay mình làm đầu bếp cũng chỉ nghĩ nấu thế nào cho ngon. Nhưng khi được nghe những câu chuyện lịch sử về nước mắm và về các món ăn, ông nghĩ nếu chúng ta biết gắn các câu chuyện đó vào món ăn thì chắc chắn ẩm thực của Việt Nam còn bay xa hơn. 

Theo Chef Phạm Tuấn Hải, sử dụng nước mắm ở mỗi công đoạn chế biến sẽ cho ra hương vị món ăn riêng biệt. Ảnh: Tâm An

Chef Phạm Tuấn Hải dẫn chứng về món phở, hay các món xào nếu thiếu nước mắm sẽ không thể đẩy được hương vị của món ăn. Các đầu bếp có cách sử dụng gia vị riêng, đưa vào mỗi giai đoạn chế biến. Thế nên, nước mắm nếu sử dụng vào từng giai đoạn khác nhau trong chế biến món ăn sẽ mang lại hương vị riêng biệt. 

Riêng về món phở, ông cho biết đây là món ăn tập hợp của 3 bếp. Trong đó bánh phở tập hợp cả nền nông nghiệp lúa nước; phong cách nấu nước dùng của người nước ngoài; nước mắm của người Việt. Thành ra, người Việt hay người nước ngoài ăn tô phở luôn cảm thấy rất gần gũi. Thông qua món ăn như phở, ông cho rằng có thể đẩy được hình ảnh nước mắm ra tầm thế giới và tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Điều đặc biệt là 100% nhà hàng Việt đều sử dụng nước mắm, còn nhà hàng Tây sử dụng nước mắm ở con số 40%.

“Khi tôi làm đại diện cho một nhà hàng ở châu Âu, người ta hỏi làm thế nào để đưa nước mắm vào phomai, tôi khẳng định hoàn toàn được. Ví như món hàu nướng phomai khoảng 30-40 năm trước đây không ai biết, nhưng 6-7 năm nay món ăn này nổi danh và phổ biến trong tất cả các nhà hàng, quán ăn. Người ta xay phomai ra, sau đó cho nước mắm vào, giúp món hàu nướng trở thành món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng”, ông Hải nói.

Ông Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam cho biết, cho biết, Hiệp hội đang phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam triển khai đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành Thương hiệu quốc gia. Mục tiêu là đưa nước mắm - gia vị cốt lõi của các món ăn Việt lên tầm cao mới.

Hai hiệp hội đang chung tay xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là Di sản phi vật thể của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các lễ hội liên quan đến nước mắm để giới thiệu giá trị đỉnh cao của “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc này tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.