Xin ý kiến đầu tư chờ 2 năm chưa xong

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đã giao Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngày 20/2, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã nêu những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, dịch Covid 19 ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh của đơn vị này.

“Theo đó, lượng khách đi nước ngoài từ Việt Nam giảm trung bình 50% so với cùng kỳ. Lượng khách trong nước giảm trên dưới 50%. Khu vực Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông giảm 80-100%. Khách từ Nhật Bản đang lao dốc mạnh, giờ giảm 50% nhưng thời gian tới có thể giảm 70%”, ông Phạm Ngọc Minh cho hay và đề nghị nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn này.

{keywords}
Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, doanh nghiệp đồng loạt kêu khó

Ngoài ra, ông Phạm Ngọc Minh cũng đề cập đến những vướng mắc về thủ tục trong phê duyệt dự án đầu tư. Cụ thể, Vietnam Airlines đã trình phương án đầu tư máy bay 2 năm nay, nhưng UBND TP. Hà Nội chưa trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Thời kỳ trước, từ lúc chúng tôi lập dự án đến lúc trình Thường trực Chính phủ, dài nhất là mất 6 tháng, ngắn nhất là 3 tuần. Còn bây giờ trình 2 năm rồi không thấy chỗ nào cả”, ông Minh nhớ lại.

Một ví dụ khác được lãnh đạo Vietnam Airlines dẫn chứng liên quan đến vướng mắc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng ở khu vực sân bay. Tổng công ty đã lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay từ 2010, nhưng 10 năm qua dự án đã “xuyên thập kỉ” mà không được cấp giấy phép xây dựng. Vietnam Airlines đã hỏi từ UBND TP. Hà Nội đến Bộ Xây dựng, rồi nhiều cơ quan khác nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt, cũng đề cập câu chuyện Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo xem xét nghiên cứu, đó là chuyển Tổng công ty về lại Bộ Giao thông vận tải sau hơn 1 năm về Ủy ban.

 Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt

Cơ chế không sinh ra con người, chỉ có con người xây dựng cơ chế chính sách. Chúng tôi đề nghị xem có cách nào giải quyết được, nếu không buộc phải dừng tàu, ảnh hưởng hàng vạn người

Ông Minh cho biết: Thời điểm trước khi Tổng công ty chưa chuyển về Ủy ban, việc giao dự toán ngân sách hàng năm được Bộ Giao thông vận tải giao về trước tháng 12. Sau đó, Tổng công ty sẽ đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để thực hiện, đảm bảo an toàn chạy tàu (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ,... ).

Tuy nhiên, sau khi Tổng công ty Đường sắt chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước do Tổng công ty này không phải là đơn vị thuộc Bộ.

Từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện dịch vụ công ích mà không được ký kết hợp đồng. “Trên 1 vạn người không có tiền lương, chỉ có thể dừng tàu thôi. Nhưng cho chạy tàu thì sai luật, không cho chạy tàu cũng sai”, ông Minh băn khoăn. 

“Các công ty không có lương, họ cũng không vay được ngân hàng vì không có hợp đồng. Tổng công ty thấy khó khăn thì cho vay, nhưng việc nếu sau này kiểm toán vào kiểm tra là sai. Đầu tháng 3, vấn đề này không giải quyết được thì phải dừng tàu vì không ai làm tuần đường gác chắn”, ông Vũ Anh Minh nói và cho rằng, vấn đề này đang rất cấp bách, Tổng công ty kiến nghị liên tục lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết.

Trước các ý kiến trên,, ông Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt là đảm bảo trong mọi trường hợp giao thông được thông suốt. “Tất cả khó khăn đã được đặt lên bàn Chính phủ. Tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban tổng hợp, báo cáo thêm, cần nhất là việc giao kế hoạch vốn”, ông Lục nói.

{keywords}
Ủy ban quản lý vốn được thành lập với mục tiêu tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quàn lý ngành.

Vướng mắc cụ thể, trả lời chung chung

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV), cũng nêu khó khăn khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tập đoàn này do “thị trường than phụ thuộc lớn vào Trung Quốc”.

Công tác cổ phần hóa cũng gặp vướng mắc, vướng nhất là đất đai. Lãnh đạo TKV đề nghị có chỉ đạo quyết liệt về xác định giá trị đất đai, sử dụng đất đai sau cổ phần hóa.

“Hiện đưa giá trị văn hóa lịch sử vào tính giá trị doanh nghiệp, chúng tôi thuê tư vấn có đơn vị nói 1%, có đơn vị nói 2%. Nhưng 1-2% có đúng không? Nếu thực hiện một vài năm sau bảo chưa ổn thì rất khó”, ông Chuẩn nói thêm.

Cũng gặp nhiều vướng mắc, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tỏ ra mệt mỏi khi phải chạy vòng quanh xin ý kiến. Có việc đơn vị này báo cáo lên Ủy ban, thì Ủy ban nói vấn đề liên quan Luật Đầu tư công nên đề nghị hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi doanh nghiệp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì lại được chỉ sang Bộ Tài chính.

Vì không ai quyết nên doanh nghiệp vẫn phải chờ, ông Chi nói.

Ông Chi cũng cho hay nhiều kiến nghị, vướng mắc không được giải quyết. Các văn bản trả lời thường chiếu theo quy định pháp luật, thậm chí trích điều luật này điều luật kia rồi yêu cầu làm đúng theo quy định pháp luật.

“Trả lời vậy thì chúng tôi hỏi làm gì. Chúng tôi đều biết chữ mà. Doanh nghiệp có làm được không? Không làm được. Chúng tôi đành ngồi im. Lãnh đạo sốt ruột, bảo chúng tôi làm đi, đương đầu rủi ro, sáng tạo đi, nhưng chúng tôi sáng tạo cách nào”, ông Chi sốt ruột.

Ông Chi mong muốn vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban thì giải quyết cho doanh nghiệp, vấn đề nào liên quan chính sách pháp luật thì cần có cách tiếp cận khác, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn nếu tiếp cận theo cách đối chiếu quy định pháp luật xem có rủi ro không, có rủi ro thì dừng thì “họp nữa họp mãi cũng thế”.

Lương Bằng

'Siêu ủy ban', mô hình mới động chạm đến nhiều nơi

'Siêu ủy ban', mô hình mới động chạm đến nhiều nơi

“Có nhiều ý kiến nói rằng từ khi thành lập Ủy ban đến nay gây ra nhiều khó khăn, chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty... Vấn đề này cần được nhìn nhận ở cả hai phía”, ông Nguyễn Văn Bình nói.