"Siêu ủy ban” ra đời động chạm đến nhiều nơi
Ngày 26/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 17 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - chia sẻ: Một trong những vấn đề gần đây Đảng rất quan tâm đó là việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào cuối năm ngoái. Tính đến nay, Ủy ban đã hoạt động khoảng 8 tháng.
“Có nhiều ý kiến nói rằng từ khi thành lập Ủy ban đến nay gây ra nhiều khó khăn, chậm trễ trong xử lý công việc của các tập đoàn, tổng công ty. Chúng tôi đã được nghe phản ánh ý kiến đó”, ông Nguyễn Văn Bình nói.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. |
Theo ông Nguyễn Văn Bình, vấn đề này cần được nhìn nhận ở cả hai phía, khách quan và chủ quan.
Ông Bình chia sẻ: Mô hình Ủy ban này là một mô hình mới, đặc biệt trên thế giới, không có mô hình chung nào cả, mỗi quốc gia làm một kiểu. Tóm lại chúng ta không có tiền lệ để học hỏi. Tất nhiên cái gì mới sẽ còn bỡ ngỡ, bỡ ngỡ ngay cả với những người được giao nhiệm vụ và với cả chúng ta. Vấn đề quản lý vốn hết sức phức tạp, mà lại mới.
Về mặt khách quan, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Vì mô hình mới nên cán bộ chưa bao giờ được tôi luyện trong môi trường đó. Đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, chưa chuyên sâu nên việc hình dung công việc có thể chưa đầy đủ, cách thức xử lý công việc đó, cơ chế xử lý công việc đó có thể chưa đúng, chưa trúng.
Mặt khác, cơ quan mới này lại có chức năng “động chạm đến nhiều nơi”. Khi đưa ra cơ chế mới thì sẽ có những mâu thuẫn, nút thắt, phải mất một thời gian mới quen được.
“Quá trình đó cũng không có gì để chúng ta phải ngạc nhiên. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta cứ kệ, chúng ra phải luôn luôn theo dõi để xử lý. Muốn xử lý được phải xem cái gì đúng, cái gì sai”, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định và cho hay sẽ có một hội nghị do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì về hoạt động của Ủy ban quản lý vốn.
Giải quyết ước mơ của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân
Một vấn đề lớn hơn được Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề cập, đó là Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bình nói: "Vừa rồi các đồng chí có hỏi với tình hình dư luận xã hội có vẻ không thiện cảm với doanh nghiệp nhà nước. Chính vì nhận biết được chuyện đó nên chúng ta phải tổ chức triển khai rất quyết liệt Nghị quyết này để lấy lại hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước.
Chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là Kinh tế Nhà nước là chủ đạo, DNNN là một bộ phận vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước".
Trước những ý kiến nói rằng kinh tế tư nhân phát triển thì muốn xóa bỏ vai trò của kinh tế nhà nước, vì tham ô, tham nhũng,... ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Điều đó hoàn toàn không đúng.
Doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào lĩnh vực an ninh quốc phòng, lĩnh vực tư nhân không làm được. |
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết nói rõ doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh thực cốt yếu, an ninh quốc phòng, lĩnh vực tư nhân không làm được.
Ví dụ trong lĩnh vực năng lượng điện, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá đó là một điểm sáng trong 30 năm đổi mới của đất nước. “Nước ta còn nghèo, chúng ta phát điện, có điện để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh đến ngày hôm nay, và thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hạ tầng cơ bản như thế là Nhà nước làm”.
Còn trong lĩnh vực hàng không, thời gian qua mở ra rất nhiều hãng hàng không, nhưng theo ông Bình, “không có Vietnam Airlines thì không có ngày hôm nay”.
Tóm lại, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, DNNN tập trung vào những ngành mang tính chất dẫn dắt nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác phát triển. Lĩnh vực nào tư nhân làm được thì cho tư nhân làm, cổ phần hóa, thoái vốn.
Nghị quyết 12 đưa ra định hướng đến năm 2030 kinh tế nhà nước chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng GDP, còn lại là các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Điều này thực tế là làm giảm quy mô của kinh tế Nhà nước, nhưng “không phải là làm cho doanh nghiệp nhà nước yếu đi”.
Những nội dung cơ bản của nghị quyết tập trung vào quản trị của DNNN. Song, ông Bình đánh giá, 3 năm qua quản trị của DNNN chưa có gì thay đổi về cơ bản.
“Trong Nghị quyết cũng nói rõ phải có thay đổi cơ bản về cơ chế tài chính cho DNNN để DNNN cạnh tranh bình đẳng trong cùng mặt bằng pháp luật như các thành phần kinh tế khác. Chúng ta đã làm chưa hay hướng chỗ nào sửa mỗi chỗ đấy".
Nhắc đến một số ý kiến và báo chí phản ánh: Khi hỏi mấy doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân mơ ước được có cơ chế như DNNN, nhưng khi sang phỏng vấn DNNN thì DNNN lại bảo chúng tôi mơ ước được cơ chế như tư nhân (xem thêm tại đây).
“Thế có nghĩa là hai ông cứ mơ về nhau”, ông Nguyễn Văn Bình nói. “Qua đó, chúng ta thấy rằng, điều gì là điểm chung, là lợi thế, nếu chúng ta biết tận dụng thì ta phát huy được”.
Theo ông Bình, điều lớn nhất kinh tế tư nhân mơ về doanh nghiệp nhà nước chính là cơ chế phân bổ các tài nguyên, nguồn lực. Còn DNNN biết mình được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép mình làm, nếu mình có nguồn lực rồi mà có cơ chế như tư nhân thì tốt.
“Nghị quyết số 10 về kinh tế tư nhân là giải quyết niềm mơ ước của kinh tế tư nhân. Nghị quyết 12 là giải quyết ước mơ của các doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Văn Bình đúc rút.
Các chỉ tiêu kinh doanh toàn Khối so với cùng kỳ năm 2018 đều có sự tăng trưởng, tổng doanh thu tăng 6,1%, tổng lợi nhuận trước thuế tăng 0,4% và nộp ngân sách tăng 1,62% so với cùng kỳ năm 2018. Công tác sắp xếp, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp được đẩy mạnh, theo sát tiến độ được phê duyệt; thực hiện kịp thời việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và các quy chế quản trị nội bộ sau khi sắp xếp lại doanh nghiệp. Tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong Khối được duy trì ổn định. Các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối tiếp tục đi đầu thực hiện công tác an sinh xã hội và Nghị quyết 30a của Chính phủ, với tổng kinh phí ước thực hiện trên 1.000 tỷ đồng. |
Lương Bằng