Ngày 15/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và liên danh các nhà đầu tư khảo sát thực tế dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại xã Đam B’Ri, TP Bảo Lộc.
 
Trong buổi làm việc, chính quyền Lâm Đồng cùng các nhà đầu tư liên danh đã đưa ra nhiều nội dung, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như mong muốn Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc này.
 
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND Lâm Đồng, cho biết, Hội đồng thẩm định đã có báo cáo thẩm định về hồ sơ dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng đã có báo cáo về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án trình Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đủ điều kiện phê duyệt. 
 
Theo ông Hiệp, khi địa phương trình báo cáo, Văn phòng Chính phủ có phản hồi sẽ có văn bản hỏi lại Hội đồng thẩm định để khẳng định lại dự án có đủ điều kiện phê duyệt, điều này khiến tỉnh gặp khó trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan về công tác triển khai dự án.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát thực tế dự án cao tốc qua địa bàn Lâm Đồng.

Ngoài ra, người đứng đầu UBND Lâm Đồng cũng mong muốn được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vào quý I/2023.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những kiến nghị mà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nêu trong phiên làm việc hôm nay và cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ để cùng các bộ, ngành tháo gỡ nhằm sớm triển khai xây dựng Dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.
 
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP), có hỗ trợ vốn của nhà nước và có các liên danh nhà đầu tư đề xuất tham gia.
 
Tổng mức đầu tư dự toán khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 1.460 tỷ đồng, vốn huy động 8.260 tỷ đồng, 
 
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có điểm đầu tại km60+100 ở xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (trùng với điểm cuối cao tốc Dầu Giây - Tân Phú). Điểm cuối tại cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 
 

Sơ đồ tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Dự án dài khoảng 66 km, 4 làn xe, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 55 km, còn Đồng Nai khoảng 11 km. Dự án được phân kỳ đầu tư, giai đoạn đầu từ nay đến 2025 nền đường tối thiểu 13,5 m với hai làn xe và hai làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh từ 2025 đến 2035 nền đường rộng 22 m với bốn làn ôtô và hai làn dừng khẩn cấp.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, dài 208 km, quy mô 4 làn xe, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030. 
 
Tuyến cao tốc này chia ra ba dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. 
 
Tuyến đường khi hoạt động sẽ gỡ được nút thắt điểm đen kẹt xe và tai nạn qua đèo Bảo Lộc, giảm tải cho quốc lộ 20. Khi dự án toàn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn thời gian đi lại từ Tây Nguyên về Đông Nam Bộ.
 
Xuân Ngọc