TAND TP.HCM vừa bác kháng cáo của phía nguyên đơn - Ngân hàng TMCP X (trụ sở quận 1, TP.HCM) kiện ông ĐPC (sinh năm 1981, ngụ quận 2, TP.HCM) trong vụ tranh chấp hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng.
Tháng 10-2014, Ngân hàng TMCP X ký hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế với ông C. theo dạng tín chấp với hạn mức 500 triệu đồng. Trong quá trình sử dụng, ông C. đã dùng thẻ để thanh toán tiền mua hàng hóa và các khoản phí phát sinh (tạm tính đến ngày 21-5-2016) là gần 453 triệu đồng gồm nợ gốc là 429,5 triệu đồng, nợ lãi và phí quá hạn.
Sau đó, Ngân hàng TMCP X khởi kiện yêu cầu ông C. trả số tiền 3,678 tỉ đồng gồm nợ gốc 429,5 triêu và nợ lãi cùng phí quá hạn tạm tính đến ngày 18-11-2019 là 3,249 tỉ.
Bị đơn là ông C. không nộp văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo mặc dù đã được tòa án tống đạt hợp lệ.
Xử sơ thẩm, TAND quận 1 chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông C. phải trả cho ngân hàng khoảng 976 triệu đồng gồm 429,5 nợ gốc và 546,6 nợ lãi tính đến ngày 18-11-2019.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn các bên thỏa thuận tại giấy đề nghị phát hành kiêm hợp đồng sử dụng thẻ tín dụng quốc tế của hai bên.
Cạnh đó, toà không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi phải trả 2,7 tỉ đồng tiền lãi và phí quá hạn. Ngân hàng sau đó kháng cáo phần bị bác này.
Xử phúc thẩm, HĐXX TAND TP.HCM nhận định nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán 3,249 tỉ đồng nợ lãi và phí quá hạn theo phương thức tính chuyển dư nợ cuối kỳ thành dư nợ đầu kỳ, số dư đầu kỳ cộng với tiền lãi, phí trễ hạn, phí vượt hạn mức của mỗi kỳ tính lãi phát sinh thành số dư cuối kỳ từ ngày chuyển nợ quá hạn của từng thẻ tín dụng cho đến ngày xét xử. Việc này là chưa phù hợp quy định pháp luật cũng như hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết số 01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
“Bởi lẽ, việc các bên thỏa thuận tính lãi phát sinh trên tiền lãi chưa trả là trái quy định pháp luật, hơn nữa nguyên đơn đã chấm dứt hiệu lực sử dụng thẻ tín dụng và chuyển nợ quá hạn thì nguyên đơn có quyền tính lãi quá hạn trên dư nợ, các loại phí khác không còn phát sinh” - bản án phúc thẩm nêu.
Cụ thể tiền lãi trên gốc đến ngày 18-11-2019 được tính tổng cộng là 546,6 triệu đồng như tòa sơ thẩm áp dụng là đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ngân hàng kháng cáo nhưng không đưa ra được chứng cứ gì mới chứng minh cho yêu cầu của mình nên cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện VKSND TP.HCM.
(Theo Pháp Luật TP.HCM)