-  Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập như: mang nặng tính hình thức, chất lượng chưa cao, việc bình chọn, xét đề nghị còn thiếu công khai, khách quan...

TIN BÀI KHÁC

Trong thời gian qua, công cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã đạt được những thành tựu rất to lớn về nhiều mặt, trong đó việc xây dựng và công nhận gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá... đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tỷ lệ gia đình, khu dân cư, thôn, làng... được công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa ngày càng nhiều. Điều này đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, đoàn kết cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, hạn chế và đẩy lùi được tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tuy nhiên, việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập như: còn mang nặng tính hình thức, chất lượng chưa cao, việc bình chọn, xét đề nghị còn thiếu công khai, khách quan...
(ảnh minh họa)
Để thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa theo chúng tôi cần khắc phục những hạn chế, tồn tại sau đây:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng hình thức, chạy theo số lượng. Đó là nhiều gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa đủ điều kiện nhưng đã lỡ “quy hoạch”, “kế hoạch” từ trước nên vẫn được xếp loại, công nhận nên chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc xét công nhận, đôi khi còn thiếu công khai, minh bạch, chặt chẽ. Đặc biệt nghiêm trọng hơn có nơi chưa thực hiện đúng quy trình đã đề ra. Ví dụ: Theo Quy chế công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa (QĐ số 01/2004/QĐ-BVHTT và Thông tri số 04 của MTTQVN) thì làng văn hóa được công nhận phải là những khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến xuất sắc 2 năm liền do MTTQ xây dựng thì mới được xét công nhận làng văn hóa, nhưng nhiều nơi vẫn chưa tuân theo quy trình này. Từ đó, mà dẫn đến việc nhiều trường gia đình văn hóa, làng văn hóa được công nhận nhưng chưa xứng với các làng chưa được công nhận.

Thứ ba, khắc phục tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” đang còn diễn ra như hiện nay. Đó là việc phát động xây dựng và tiếp đó là tổ chức đón nhận Bằng chứng nhận làng văn hóa rầm rộ, còn sau đó thì bỏ ngõ, không tiếp tục duy trì phong trào văn hoá của làng, thôn nữa. Đặc biệt, là việc tước danh hiệu làng văn hóa chưa được thực hiện nghiêm túc, đến nay rất ít địa phương thu hồi, tước Bằng chứng nhận làng văn hóa. 

Thứ tư, cần gắn việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; quy định rõ ràng trách nhiệm của từng ngành, từng cấp; các ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tạo ra phong trào thi đua thường xuyên, liên tục giữa các thôn, làng trong gia đình văn hóa, làng văn hóa; trên cơ sở đó có cơ chế khen thưởng, tuyên dương hợp lý những gia đình văn hóa, làng văn hóa có phong trào mạnh...

Theo quan điểm cá nhân tôi, muốn duy trì và phát huy sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa cần khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế nêu trên nhằm tiến tới xây dựng thôn, làng trên cả nước ngày càng ấm no, văn hoá, văn minh hơn nữa.

Vĩnh Linh