Theo thống kê của Bộ Công an, trong 3 năm qua, đã có hơn 400 vụ lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện thủ đoạn dụ dỗ và sau đó xâm hại trẻ em. Các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục có chiều hướng rất phức tạp, khó kiểm soát, khó phát hiện và đấu tranh. 

Đáng lo ngại là tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt học sinh các trường phổ thông lợi dụng mạng xã hội để bình luận, thách thức nhau trên mạng, sau đó thực hiện các hành vi bạo lực học đường, bạo hành… Nhiều trường hợp đã dẫn đến tử vong từ bạo lực học đường. 

Thực trạng trên cho thấy, thế giới mạng đã và sẽ để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận, cũng là lĩnh vực mà tội phạm đang lợi dụng để thực hiện các hành vi, phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em, tìm kiếm mại dâm, cưỡng dâm, khiêu dâm, mua bán trẻ em.

Trẻ em trên mạng 1
Tăng cường truyền thông cho phụ huynh và trẻ em có ý thức và kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội thận trọng, lành mạnh.

Trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Bộ Công an liệt kê thì các vụ lừa đảo nhắm tới trẻ em chủ yếu tập trung vào 3 hình thức gồm: Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm; Lừa cung cấp dịch vụ lấy lại Facebook. 

Bên cạnh các chiêu lừa tiền, các đối tượng xấu lợi dụng sự nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ ngây thơ của trẻ để lừa gạt hướng về tình cảm, đặc biệt là đối với trẻ tuổi mới lớn. Đã có trường hợp, thông qua hẹn hò trên mạng, trẻ bị dụ dỗ, lừa đảo. 

Quá trình điều tra các vụ án cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này hết sức tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng phạm tội thường tìm cách tiếp cận, làm quen với nạn nhân qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Viber, điện thoại di động, Internet… để dụ dỗ, lôi kéo, giả vờ yêu đương, kết bạn rồi lừa bán nạn nhân… 

Gần đây đã xuất hiện loại hình lừa đảo trực tuyến đáng lo ngại, đó là tin tặc lợi dụng trẻ em say mê các trò chơi điện tử nổi tiếng để thực hiện hành vi lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc lừa các em tải tệp đính kèm có nội dung "truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích". 

Nhiều trẻ tải tệp đính kèm mà không biết đó là những địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại. Với phương thức này, đối tượng sử dụng các trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng…

Trước thực trạng trên, việc bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, an toàn trên không gian mạng là điều rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Việc trang bị kỹ năng dùng mạng xã hội cho trẻ em là sự quan tâm của không ít phụ huynh.

Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho hay, cần phải tăng cường công tác truyền thông cho trẻ em, phụ huynh có ý thức và kỹ năng tiếp cận, sử dụng mạng xã hội một cách thận trọng, lành mạnh, không dễ dãi kết bạn, làm quen, nhận lời mời, nhận quà tặng từ những người mới quen trên mạng. 

Đặc biệt, cần thận trọng, tỉnh táo trước những thông tin nghi ngờ trên mạng, tham vấn chia sẻ với mọi người, với chuyên gia để không sa vào cạm bẫy, lừa gạt hoặc dụ dỗ của đối tượng trên mạng.

Mới đây, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra những cảnh báo đến toàn xã hội. Theo đó, trẻ em và người lớn đều phải có đủ hiểu biết và chủ động trang bị các thông tin cần thiết về các nguy cơ lừa đảo. 

Phụ huynh cần giáo dục trẻ không chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; dạy trẻ kỹ năng nhận biết, đánh giá tình huống và tính xác thực của những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng. 

Đồng thời, khuyến khích trẻ có ý thức chia sẻ với cha mẹ bất kỳ tin nhắn đáng ngờ nào mà trẻ gặp phải. Cha mẹ cần thường xuyên theo dõi các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống, đồng thời cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị điện tử của trẻ.

Đặc biệt, cha mẹ trang bị cho trẻ những kỹ năng nhận biết, tự bảo vệ mình trước đối tượng xâm hại tình dục; quản lý thời gian sinh hoạt của trẻ, không cho trẻ đi với người khác khi có biểu hiện nghi vấn. Khi phát hiện các biểu hiện nghi vấn hoặc các hành vi lừa đảo, mua bán người, cần kịp thời tố giác với cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý.