Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn báo chí sáng nay 31/5 |
Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Bộ NN&PTNT có giải pháp gì hỗ trợ người dân và các địa phương để việc tiêu thụ nông sản không bị ảnh hưởng, thưa Bộ trưởng?
Từ trước đến nay, mỗi khi tiêu thụ khó khăn, chúng ta thường thấy nói đến việc “giải cứu” nông sản. Trong các đợt dịch Covid-19, ở nhiều nơi cũng đã hình thành phong trào, xuất hiện nhiều điểm “giải cứu” nông sản. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc phải loại bỏ tư duy “giải cứu” này mà cần có hành động cụ thể hơn.
Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cần có một hành động nhất quán hơn để đảm bảo sự an toàn, tránh được tình trạng bà con mua ủng hộ rồi bỏ đó, rất lãng phí công sức của bà con nông dân.
Để giúp người dân, các địa phương tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 đang phức tạp, ngay ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng xây dựng những mô hình tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dịch một cách chính quy hơn, đảm bảo vừa tiêu thụ được nông sản vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời người tiêu dùng an toàn trong dịch bệnh.
Chúng tôi cũng hy vọng từ mô hình phối hợp giữa ba đơn vị sẽ nhanh chóng phát triển thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ bàn bạc với Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam để kết nối cung-cầu, làm sao thông tin về sản lượng tiêu thụ nông sản phải thông suốt.
Ở góc độ vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt trong mùa dịch, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ có sự phối hợp với các ngành chức năng giải quyết như thế nào?
Tôi được biết, có lúc thông tin về sản lượng nông sản, tiêu thụ nông sản không khớp nhau giữa các địa phương. Ví dụ như đợt hành tím Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng rớt giá, địa phương phải vận động hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân thì cũng có nơi như Đăk Lăk, người tiêu dùng cho biết vẫn phải mua hành tím Vĩnh Châu với giá 45.000 đồng/kg.
Rõ ràng câu chuyện kết nối tiêu thụ nội địa đang có vấn đề. Những thông tin bất cân xứng tạo ra dư thừa một cách cục bộ, nơi cần không có hoặc không vận chuyển được.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải trong nước để không còn tình trạng ngăn sông cấm chợ, làm khó thêm quá trình vận chuyển.
Chiều nay 31/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đại diện một số hệ thống phân phối về Bắc Giang bàn phương án tiêu thụ vải thiều. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Trong dài hạn, Bộ NN&PTNT sẽ thiết lập thông tin hai chiều để cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, thời điểm thu hoạch cho các đơn vị phân phối, không đợi đến khi thu hoạch rồi mới thấy thừa hay thiếu.
Hiện nay, những địa phương có lượng nông sản lớn đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, xoài,... đã chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ, thậm chí Bắc Giang còn tính đến phương án có thể tiêu thụ nội địa đến 90% lượng vải thiều nếu xuất khẩu khó khăn. Bộ NN&PTNT sẽ có động thái như thế nào để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này, giảm áp lực tiêu thụ nội địa, thưa Bộ trưởng?
Để đảm bảo khâu xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc thông suốt ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, trong nay mai, lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp lên các cửa khẩu phía Bắc, trực tiếp làm việc với các đối tác Trung Quốc để hai bên tạo điều kiện ưu tiên cho thông quan, xuất khẩu vải thiều.
Trong hôm nay, tôi cũng sẽ cùng đại diện một số hệ thống phân phối về Bắc Giang bàn phương án tiêu thụ vải thiều, kết nối để tiêu thụ ngay cho bà con. Trong tình hình cấp bách, bà con "nóng ruột", đòi hỏi Bộ NN&PTNT có lời giải bền vững không đợi đến dư thừa mới ra quân.
Xin Bộ trưởng cho biết, về lâu dài, giải pháp căn cơ cho tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh là gì?
Tôi nghĩ, cần thiết là phải thông suốt về mặt thông tin, mỗi Sở NN&PTNT phải xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, không bị động trong tiêu thụ.
Thiết lập chuyển đổi số nắm bắt thông tin thị trường, đổi mới phương thức vận chuyển, để ngay trong bối cảnh dịch bệnh, điều kiện giãn cách, người tiêu dùng vẫn có thể mua được nông sản ngon qua các sàn thương mại điện tử.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Báo Hải quan