Phát biểu tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPN Việt Nam) cho rằng, hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen. Điều này đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới trong quá trình xây dựng và phát triển con người nói chung, phụ nữ nói riêng. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và công nghệ số tiến triển mạnh mẽ đang tác động đến đời sống của phụ nữ.
Theo ThS Nguyễn Thị Minh Hương, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn cho lao động, trong đó có lao động nữ. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy phụ nữ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân. Các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đã tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
“Từ các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, bước đầu được định hình là "có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước", chúng ta vẫn rất cần xác định cụ thể nội dung trong từng giai đoạn.
Nội dung này cũng phải phù hợp với sự đa dạng của các nhóm phụ nữ ngày nay. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể. Quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”, ThS Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung vào 3 nhóm nội dung chính gồm:
- Những chiều hướng, khía cạnh quan trọng, cốt lõi phản ánh được đặc điểm người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Qua đó nhằm xác định những giá trị mới về chuẩn mực đạo đức trong xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Thực trạng và thách thức trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế và trong nước; Nhận diện các rào cản về thể chế, chính sách (giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khoẻ…) cũng như thiếu hụt về các dịch vụ xã hội hiện nay.
- Đề xuất, gợi ý chính sách giải pháp, sáng kiến về xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ góc độ nguồn nhân lực nữ, từ thực tiễn phát huy vai trò trách nhiệm của phụ nữ, của cán bộ Hội phụ nữ.
Cũng từ đó, Hội thảo có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.