Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đạt tỷ lệ 93,7%, tiếp tục duy trì là tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới.

Từ những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu trong năm 2024 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện Phú Lương được công nhận đạt chuẩn NTM với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 1.743.406 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước, vốn lồng ghép, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp để thực hiện Chương trình NTM.

W-thainguyen.png

Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên thực hiện ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sạch, đẹp hơn, đã và đang hỗ trợ tốt cho việc tổ chức sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở nông thôn. Hiện 100% các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện. Hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được đầu tư trải nhựa hoặc đổ bê tông, cứng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản.

Song song với đó, hệ thống điện lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, xóm trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu điện sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh, đã xóa được các xóm bản “trắng điện” chưa được đầu tư điện lưới quốc gia. Hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, công trình cấp nước tập trung... được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, ngày càng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân.

Bên việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, Thái Nguyên cũng đã quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản như: Vùng Chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên; vùng lúa đặc sản nếp Thầu Dầu, huyện Phú Bình; gạo Bao Thai, huyện Định Hóa; vùng cây ăn quả tại xã Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, thị xã Phổ Yên...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình chăn nuôi trang trại theo quy mô công nghiệp, an toàn sinh học ngày càng phát triển. Từ những phát triển tích cực trong sản xuất đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã được chú trọng, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; phong trào trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường đang phát triển mạnh mẽ ở các địa phương như: Thôn Bãi Hội, xã Bảo Cường, huyện Định Hóa; xóm Bến, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên; xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công…

Trong xây dựng NTM, Thái Nguyên đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương. Tỉnh đã ban hành một số quy định cao hơn như: Bộ tiêu chí “hộ gia đình NTM”, “xóm NTM kiểu mẫu”, “xã NTM kiểu mẫu”...

Đồng thời, tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương để hỗ trợ triển khai thực hiện phong trào như: Hỗ trợ xi măng để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, trong đó ưu tiên các xã đăng ký đạt chuẩn NTM (bình quân 1.000 tấn/xã); hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa xã, xóm; hỗ trợ các xã điểm, các xã xây dựng NTM kiểu mẫu (2 tỷ đồng/năm); hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi; máy móc cơ giới hoá nông nghiệp); hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP...

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong nhân dân, tính đến cuối năm 2019, Thái Nguyên đã đạt và vượt một số mục tiêu đã đề ra. Tỉnh có 101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 70%), về đích sớm trước 1 năm; 3/9 đơn vị cấp huyện (chiếm 33,33%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, vượt 1 đơn vị và về đích trước 2 năm; 12 xóm đã được công nhận đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu.

Về mục tiêu trong xây dựng NTM trong thời gian tới, năm 2025 tỉnh phấn đấu có 130 xã trở lên được công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu từ 6 đơn vị cấp huyện trở lên được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 20 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí theo bộ tiêu chí về xã NTM đạt 18,5 tiêu chí/xã. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 2%/năm trở lên.