Trong những năm đầu đời, trẻ sẽ trải qua những giai đoạn quan trọng để phát triển chiều cao. Bởi vậy, cha mẹ cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của con, khuyến khích các bé vận động để tăng chiều cao. 

van dong.jpg
Khu vui chơi cho học sinh một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Chiều cao, cân nặng chuẩn theo từng lứa tuổi

Thời điểm chào đời, bé có chiều dài dao động 48-52cm. Trong 3 năm kế tiếp, bé đạt đến mức chiều cao trung bình 95cm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất.

Trong năm đầu tiên, trẻ có thể tăng 25cm và trong 2 năm tiếp theo là 10cm/năm. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Từ 3 tới 10 tuổi, mỗi năm bé tăng trung bình 6-7cm.

Đến giai đoạn dậy thì (10-14 tuổi), bé tiếp tục tăng nhanh 10-15cm mỗi năm rồi tăng chậm dần lại. Như vậy, gia đình cần chú ý đến toàn bộ quá trình lớn của trẻ từ khi mẹ đang mang thai đến lúc trưởng thành để phát huy được chiều cao tối ưu cho con em mình. 

chieu cao chuan.jpg
Chiều cao, cân nặng chuẩn của học sinh tiểu học. Dữ liệu: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Lời khuyên của bác sĩ để trẻ phát triển chiều cao 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Thị Bảo Thúy, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền, dinh dưỡng, nội tiết, chế độ sinh hoạt và tập luyện thể thao. Bởi vậy, bác sĩ Thúy khuyên phụ huynh nên quan tâm tới các yếu tố sau: 

Chế độ ăn: Đầy đủ năng lượng, đa dạng và đủ chất theo nhu cầu từng độ tuổi, Chú ý thực phẩm giàu đạm, canxi, sắt, kẽm, vitamin D3...

Giấc ngủ: Trẻ cần ngủ đủ giấc, thời gian ngủ thay đổi theo độ tuổi, tốt nhất trước 22h. 

Hoạt động thể chất: Trẻ nên tham gia các hoạt động vui chơi như đi bộ, đi dạo, tập bò, lăn, đứng, chạy nhảy, leo trèo, chạy xe đạp, đá bóng và đặc biệt là những môn có tính chất kéo giãn người như bóng rổ, bơi lội, xà đơn, nhảy dây… Hạn chế việc để trẻ xem tivi, điện thoại hơn 60 phút mỗi ngày. Trong các hoạt động đi, đứng, ngồi học, luôn dạy trẻ giữ tư thế đúng, thẳng để không bị gù, vẹo cột sống.

Bác sĩ Thúy cũng khuyến cáo cha mẹ không tự ý cho con dùng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng khi chưa có ý kiến của người có chuyên môn. Phụ huynh cũng nên theo dõi chiều cao cho trẻ mỗi 2-3 tháng, nếu tốc độ tăng trưởng bỗng nhiên chậm hay ngừng lại, cần đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi kiểm tra sớm. 

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định; 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao.