Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường

Ngày 5/12, một vụ việc đau lòng đã xảy ra tại Trường THCS Vũng Tàu, TP Vũng Tàu, khi nam sinh dùng kéo đâm trọng thương bạn cùng lớp. Cụ thể, vào lúc 8h35, tại lớp 7.3 sau khi vừa học xong tiết 2 môn Tiếng Anh, nam sinh N.T.G.L bất ngờ cầm kéo đuổi theo nữ sinh Đ.T.N.K, cùng học lớp.

Khi đến cầu thang tầng trệt, nam sinh L. đuổi kịp và đâm nữ sinh K. gây thương tích ở vùng lưng và đầu. Sự việc xảy ra nhanh, khiến một số học sinh cùng lớp không kịp can ngăn. Sau đó, em K. được các thầy cô trong trường sơ cứu và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Về phía L., sau khi gây thương tích cho bạn, do tinh thần hoảng loạn và sợ hãi, em này chạy lên lầu 4 với ý định nhảy lầu tự tử tuy nhiên được các thầy cô và bạn bè kịp thời phát hiện và can ngăn.

Nhận được thông tin, Công an TP Vũng Tàu đã đến hiện trường phối hợp với nhà trường tiến hành xác minh, điều tra để làm rõ động cơ của nam sinh. Tại Bệnh viện Vũng Tàu, nữ sinh K. cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương ở vùng lưng, vai 2 bên, tay, đầu vùng thái dương trái… khó thở, tức ngực. Nữ sinh này đang được gia đình làm thủ tục chuyển lên bệnh viện ở TP.HCM để điều trị. 

nam sinh dung keo dam ban nu cung lop o vung tau 888.jpg
Trường THCS Vũng Tàu nơi xảy ra vụ việc.

Trước đó, vào tháng 11, UBND huyện Ứng Hòa, Hà Nội, cũng xác nhận vụ việc bạo lực học đường xảy ra tại Trường THCS Hoà Nam. Cụ thể, vào lúc 9h ngày 8/11 (giờ ra chơi tiết 2), nhóm 5 học sinh (gồm 3 học sinh lớp 8C, 1 học sinh lớp 8D, 1 học sinh lớp 8B của Trường THCS Hòa Nam) đã trêu đùa, khiêng em S. (lớp 8C) thúc liên tiếp vào cột. 16h ngày 24/11, giáo viên chủ nhiệm lớp 8C nhận được tin nhắn video từ phụ huynh của em S. và báo cáo ban giám hiệu nhà trường. Nhà trường đã triệu tập các học sinh liên quan đến tường trình. 

Xét thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nhà trường đã báo cáo với công an xã và đưa tất cả các học sinh liên quan sang trụ sở công an xã làm việc. Sau đó, công an xã đã hoàn thiện và lập hồ sơ vụ việc đối với những học sinh vi phạm. 

Đây là hai trong số rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua. Điều đó chứng tỏ nạn bạo lực học đường là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của học sinh.

Đề xuất văn hóa ứng xử nên là môn học chính khóa 

Qua thực trạng này, một lần nữa, vấn đề đặt ra là cần tuyên truyền, giáo dục văn hoá ứng xử cho học sinh trong trường học. Xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học là hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường.

Về giải pháp, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về bạo lực học đường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp dạy văn hóa ứng xử và đạo đức học đường trong nhà trường và ngoài xã hội. Nội dung này cần phải đưa vào môn học chính khóa và ngoại khóa từ mầm non đến trung học phổ thông. Đặc biệt, nội dung và phương pháp giáo dục cần thiết thực, hiệu quả, dễ học, dễ nhớ, dễ thực hành.

học sinh.jpg
Giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh là biện pháp quan trọng. 

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó có 800 học sinh nữ. Bộ trưởng thông tin diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp. Nếu tính tỷ lệ với con số trên, bình quân 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Số học sinh nữ liên quan tới bạo lực học đường cũng khiến ngành giáo dục quan tâm, lo lắng và tìm mọi cách để xử lý.

Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần phải chung tay để ngăn chặn vấn đề bạo lực gia đình, nhằm hạn chế tác động tới tinh thần, nhận thức của trẻ. Riêng ngành giáo dục đang nỗ lực, quyết tâm trang bị cho học sinh về kiến thức và kỹ năng trong văn hóa học đường. Trong đó, việc nâng cao kiến thức bảo vệ bản thân, không bắt nạt bạn bè cũng được giáo viên tuyên truyền tới học sinh; lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.

Ông Sơn cho biết bạo lực học đường còn xuất phát từ tình trạng nhiều học sinh dù bị bạo lực nhưng ngại nói ra. Vì thế, trong thời gian tới, bộ sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng sống cho học sinh khi có vấn đề nguy cơ phát sinh bạo lực với chính mình.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng cho giáo viên về việc can thiệp, xử lý bạo lực học đường. Đặc biệt, bổ sung, bố trí vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học đường vào trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, góp phần hạn chế, giảm khả năng phát sinh các vấn đề bạo lực, tiêu cực.

Cơ quan này cũng sẽ đẩy mạnh sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm bảo vệ con em khỏi bạo lực học đường. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khâu quan trọng tạo nền tảng gốc rễ để giải quyết được vấn đề này đó là triển khai thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển con người, nâng cao nhân cách đạo đức con người Việt Nam.

Vấn đề xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học cũng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Theo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2018, mục tiêu chung là “tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Để thực hiện tốt được mục tiêu trên, các cấp, các ngành cần nhìn nhận lại văn hóa ứng xử trong trường học, phải xem đây là vấn đề cấp bách cần được quan tâm thấu đáo.

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV