Tài xế mừng, khách hàng lo

Ngày 6/3, hãng xe công nghệ Grab thông báo điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố để bù đắp chi phí vận hành trước áp lực của việc tăng giá xăng dầu.

Dự tính, với biểu giá cước mới, nếu người dùng đặt GrabCar Plus 4 chỗ từ khách sạn Lake Side (quận Ba Đình) đi Viện huyết học và truyền máu Trung ương (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá cước quãng đường khoảng 5 km phải trả sẽ là 89.500 đồng (chưa tính các phụ phí khác), thay vì 85.000 đồng như trước đây. 

xe công nghệ tăng giá cước, hành khách phản ứng ra sao?

Đa số hành khách sẽ cân nhắc lựa chọn phương tiện di chuyển khác khi xe công nghệ tăng giá cước - Ảnh minh họa

Tài xế GrabCar Plus Hà Văn Cường, điều khiển xe BKS 30F - 158.xx cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đi giảm mạnh. Những ngày gần đây, giá xăng dầu tăng cao, cùng với mức chiết khấu cho hãng xe hơn 37% và các chi phí khác, thu nhập của tài xế ngày càng bấp bênh.

“Trước đây, một ngày tài xế chạy xe 200 km sẽ mất khoảng 360.000 đồng tiền xăng. Khi giá xăng dầu tăng, con số này tăng lên khoảng 450.000 đồng. Việc Grab tăng giá cước sẽ bù lại phần nào tiền xăng dầu, giúp thu nhập cho tài xế cải thiện, nhưng khách hàng sẽ mất thêm chi phí”, anh Cường nói.

Với chính sách mới của Grab, khách hàng sẽ là người đầu tiên chịu thiệt, họ sẽ phải trả với số tiền cao hơn cho quãng đường di chuyển.

Anh Nguyễn Văn Sơn (35 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) thường xuyên di chuyển và gọi đồ ăn trưa thông qua các ứng dụng của Grab cho biết, nếu chi phí đi lại vượt quá dự toán hàng tháng của tôi, tôi sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác. Hiện trên thị trường có rất nhiều sự lựa chọn.

Việc điều chỉnh tăng giá cước của Grab khiến nhiều người dùng bất ngờ. Thường xuyên lựa chọn xe công nghệ để di chuyển, nhưng khi nghe tin giá cước sẽ tăng chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, quãng đường từ nhà đến cơ quan (đường Phạm Văn Đồng) chị thường trả khoảng 65.000 - 70.000 đồng. Nhưng tới đây, mức giá mới chắc chắn sẽ phải trả cao hơn con số này. Với quãng đường dài hơn, số tiền sẽ đội lên nhiều hơn.

"Vào giờ cao điểm, giá xe công nghệ thường tăng vô tội vạ. Khi tăng giá, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang các phương tiện khác", chị Trang nói.

Ảnh hưởng quyền lợi của hành khách

Tìm hiểu của PV, đến 7/3, các hãng xe công nghệ khác là Gojek và BeGroup vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước. Đại diện Gojek cho hay, cho tới thời điểm này, Gojek Việt Nam chưa có kế hoạch điều chỉnh chính sách giá liên quan đến việc tăng giá xăng dầu.

"Gojek đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường cùng các yếu tố khác để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho các đối tác tài xế cũng như người dùng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng", đại diện Gojek thông tin.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, nếu không có nước đi đúng đắn, trước mắt doanh nghiệp và lái xe có lợi nhưng có thể khách hàng không chấp nhận giá cước mới, sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, từ đó đánh mất thị phần.

Theo ông Long, thị trường gọi xe có tính cạnh tranh cao giữa các hãng xe công nghệ với nhau; giữa hãng xe công nghệ và doanh nghiệp vận tải truyền thống. Việc tăng giá cước hay không, hoặc tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược giá của từng hãng.

"Mỗi ứng dụng gọi xe sẽ có một chiến lược về giá riêng để lựa chọn tăng hoặc không tăng giá cước. Chiến lược giá phù hợp sẽ giúp hãng xe công nghệ, tài xế đảm bảo lợi nhuận, khách hàng chấp nhận và giữ được thị phần cạnh tranh với các hãng xe khác”, ông Long nói.

Giá cước dịch vụ của Grab điều chỉnh từ ngày 10/3
Ngày 6/3, Grab thông báo tới các đối tác tài xế sẽ điều chỉnh giá cước dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/3 để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng trong thời gian qua.
Theo đó giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TP.HCM.
Tại Hà Nội, dịch vụ này có giá cước nâng lên 34.300 đồng 2 km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu, dao động từ 430 đến 590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.
Dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành khác phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000 - 12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Theo Báo Giao thông

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Những mẫu xe khiến người Việt "đau ví" khi xăng tăng giá kỷ lục

Những mẫu xe khiến người Việt "đau ví" khi xăng tăng giá kỷ lục

Khi giá xăng lên cao kỷ lục gần 28.000 đồng/ lít tại Việt Nam thì những chiếc ô tô trang bị động cơ khủng, uống xăng như "uống bia" lại nhận được những cái nhìn đầy...ngưỡng mộ nếu còn lăn bánh trên đường.