XEM CLIP:

Xe hợp đồng bán vé lẻ, thu tiền như xe chạy tuyến

Tại Hà Nội, ngay đầu đường Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du (Hai Bà Trưng, Hà Nội) văn phòng các nhà xe limousine thực hiện đón, trả khách hàng ngày nhưng không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Mang phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng xe limousine của Công ty TNHH X.E Việt Nam có địa chỉ tại 71 Trần Nhân Tông lại đón trả khách tại các điểm cố định như xe chạy tuyến.

Theo quy định tại Nghị định 10 về quản lý vận tải hành khách thì xe hợp đồng phải ký hợp đồng vận chuyển với người thuê cả chuyến, đón vận chuyển theo đúng địa chỉ hợp đồng đã ký kết; không được gom khách, đón khách ngoài hợp đồng, không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách…. Nhưng thực tế X.E Việt Nam lại thực hiện bán vé thu tiền như tuyến cố định.

untitled 1.jpg
Điểm đón trả khách tại văn phòng 71 Trần Nhân Tông luôn đông đúc phương tiện
untitled 1.jpg
Các xe dừng đỗ dưới lòng đường để đón trả khách

Trong vai người đi xe, sáng 2/11, PV VietNamNet đã liên hệ vào số điện thoại tổng đài của nhà xe X.E Việt Nam để đặt chỗ thì được nhân viên cho biết, với tuyến Hà Nội - Thái Bình, nhà xe luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hành khách với các khung giờ và điểm đón đã định sẵn.

Giá vé mỗi hành khách đi từ Hà Nội – Thái Bình là 155.000 đồng/ người, hành khách có thể thanh toán trước hoặc gửi tiền cho tài xế.

Lúc 9h33 ngày 2/11, ô tô BKS 29F-000.76 và 29H-738.49 của X.E Việt Nam ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách tại văn phòng. Tần suất các xe dừng đỗ khoảng hơn 15 phút/ chuyến.

Theo trích xuất dữ liệu hành trình ngày 2/11 của xe khách BKS 29F- 000.76 cho thấy phương tiện đã dừng, đỗ tại nhiều điểm trong TP Hà Nội.

Cụ thể 9h sáng xe xuất phát từ xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) rồi lần lượt dừng lại ở phố Trương Định, Trần Nhân Tông, sau đó quay lại đường Giải Phóng đi Ngọc Hồi về Nam Định, QL10, Thái Bình.

anh man hinh 2023 11 02 luc 203858.png
Website của Xe Sao Việt (Ảnh chụp màn hình)
anh man hinh 2023 11 03 luc 073439.png
Hành khách có thể đặt chỗ ngay trên Website của nhà xe (Ảnh chụp màn hình)

Tương tự với xe khách hợp đồng chạy tuyến Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa, truy cập vào Website Xe Sao Việt để tìm hiểu thông tin thì nhà xe này cung cấp các dịch vụ xe limousine, xe giường nằm với lộ trình Hà Nội - Sapa, Hà Nội - Lào Cai và ngược lại.

Nhà xe này cũng niêm yết giá vé cho từng tuyến. Cụ thể, xe Limousine 21 phòng đi Hà Nội - Lào Cai có giá từ 330.000 đồng, cùng lộ trình với xe giường nằm 4X chỗ là 250.000 đồng...

xe khách.jpg
Hành khách lên xe tại 779 Giải Phóng
xe khách.jpg
Nhiều người ngồi chờ xe tại số 7 Phạm Văn Đồng

Dù là xe hợp đồng nhưng nhà xe Sao Việt lại đón trả khách ở nhiều nơi. Các điểm đón trả khách là văn phòng của công ty tại 114 Trần Nhật Duật (phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội); 779 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội), số 7 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội); 571 đường Điện Biên Phủ (TT Sapa, Lào Cai)...

Tại văn phòng ở số 7 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), xe dừng đón trả khách gần trụ sở Đội CSGT số 6 (Công an TP.Hà Nội) thường xuyên gây cản trở giao thông nhưng không hiểu vì sao vẫn ngang nhiên tồn tại.

Xe limousine lách luật qua trung gian công ty du lịch

Tại Quảng Ninh, trưa 2/11, PV đã liên hệ tổng đài của nhà xe Hoàng Hải Limousine để đặt chỗ ngồi đi xe. Qua trao đổi, nhân viên tổng đài cho biết cứ cách 30 phút thì nhà xe này có 1 chuyến đón khách. Sau khi hỏi tên tuổi, nhân viên tổng đài đã xác nhận đặt 1 ghế ngồi trên xe rồi thông báo sẽ có tài xế điện trực tiếp cho khách hàng để hỏi điểm đón.

Chỉ sau 5 phút, tài xế của nhà xe này điện thoại tới và xác nhận điểm đón khách ở khu vực Kênh Liêm, TP Hạ Long và yêu cầu khách hàng lên xe BKS 17B-022.12.

Sau khi lên xe, tài xế không yêu cầu khách hàng ký bất cứ giấy tờ và hợp đồng gì mà chỉ hỏi địa điểm xuống và số tiền phải trả cho chuyến đi. Tài xế cũng là người trực tiếp thu tiền khách hàng trên xe.

W-z4842643089160-fc4b314196c5dc403cb6c162c6f54e93-1.jpg
Tài xế thu tiền của hành khách ngay trên xe

Ngoài ra, trong lúc lái xe, tài xế liên tục điện thoại cho những khách hàng khác để đón khách dọc đường. Những địa điểm thường xuyên có khách đứng chờ xe cũng được tài xế này đi chậm lại để mời chào.

Tại địa bàn TP Hạ Long, xe khách BKS 17B-022.12 dừng ở các địa điểm như ngã tư Loong Toòng, trước cửa bến xe Bãi Cháy, ga Hạ Long và nút giao Tiền Phong trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng để đón khách.

Ngoài nhà xe Hoàng Hải, tại Quảng Ninh cũng có rất nhiều nhà xe chở khách loại hình limousine hoạt động bát nháo, không có điểm đón, trả khách cố định mà thay vào đó đón khách dọc đường.

Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Quảng Ninh Mạc Đức Sơn cho biết, các đơn vị xe hợp đồng đều phải đăng ký hợp đồng với Sở GTVT Quảng Ninh. Việc xe đi đâu, trước mỗi chuyến đi đơn vị vận tải chỉ cần gửi hợp đồng về Sở GTVT.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, có một số đơn vị kinh doanh vận tải lách luật bằng cách ký hợp đồng với một công ty du lịch khác để đảm nhiệm việc nhận khách.

Khi khách hàng gọi tới tổng đài, công ty du lịch này sẽ hỏi thông tin khách hàng rồi xuất một hợp đồng có người đại diện chứ không cần từng khách hàng trên chuyến xe đó ký vào.

Bất lực quản lý xe hợp đồng?

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Nhà nước cấp phép cho xe hợp đồng, văn phòng đại diện nhưng chưa có sự giám sát, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng nên bị biến thành điểm đón/trả khách trong nội đô.

Theo ông Quyền, dù Nghị định 10/2020 đã có những quy định “siết chặt” hoạt động xe hợp đồng, xe du lịch, nhưng việc kiểm tra, giám sát của địa phương gặp khó do các đơn vị dùng nhiều cách để đối phó, lách luật.

Đặc biệt, loại xe limousine đăng ký xe hợp đồng, đón trả khách tận nhà, nhưng đều theo tuyến cố định liên tỉnh, cạnh tranh và làm ảnh hưởng lớn tới xe khách tuyến cố định.

Thừa nhận trên địa bàn TP Hải Phòng xảy ra tình trạng xe hợp đồng đưa đón tận nhà, lập văn phòng như một bến cóc để chạy trá hình, ông Phạm Văn Huy, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, nếu căn cứ Nghị định 10 để quản lý xe hợp đồng thì rất khó xử lý được nạn “xe dù, bến cóc”, xe chạy hợp đồng trá hình.

Bởi lẽ, quy định tại của Nghị định 10 có nhiều kẽ hở, doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật.

W-z4842647054341-0a83e13e9cdf90eab7e8e9131db45052-1.jpg
Việc bán vé thu tiền trên các xe "hợp đồng trá hình" vẫn diễn ra

Theo ông Huy, Nghị định 10 không nêu rõ thời gian tước phù hiệu với phương tiện vi phạm là bao nhiêu ngày. Do đó, tại Hải Phòng đã có tình trạng xe vi phạm bị sở tước phù hiệu thì chấp hành ngay.

Tuy nhiên, khi họ đến làm việc với sở, tay phải nộp phù hiệu, tay trái đưa đơn xin cấp lại. "Về luật họ không sai, nên cơ quan nhà nước phải có hướng giải quyết”, ông Huy nói.

Lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng cũng cho biết thêm, do hiện nay trên hệ thống quản lý giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa có tính năng kiểm soát thời gian hoạt động của phương tiện để làm căn cứ xác định không cấp phù hiệu, chưa có tính năng xác định các xe có quá 30% số chuyến trong 1 tháng có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm với loại xe chạy hợp đồng trá hình như tuyến cố định.

Nhóm Phóng viên