Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế hãng xe Thành Bưởi gây ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng ngoài hành vi trực tiếp của người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông còn có trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý nhà nước ở các khâu liên quan.

Theo Bộ trưởng, những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế.  

“Vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai vừa qua cho thấy nhiều bất cập, nhiều xe khách của công ty vi phạm (nhà xe Thành Bưởi) bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần. Vậy việc tước phù hiệu đó có hiệu lực thực sự không?”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề.

xe-th224nh-buoi-g226y-tai-nan-o-dong-nai.jpg
 Nhiều xe khách của Thành Bưởi bị tước phù hiệu tổng số lên tới 246 lần 

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet bên lề hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia chỉ ra thực tế, từ đầu năm đến nay có nhà xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu cả trăm lần. Tuy nhiên, điều lạ ở đây là doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

“Như vậy, rõ ràng quy định hiện hành có “lỗ hổng” về thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu dẫn đến doanh nghiệp không sợ”, ông Khuất Việt Hùng nói. 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ, cho biết thực tế Nghị định 86/2014 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với ô tô trước đây đã đưa ra quy định xe bị tước phù hiệu, biển hiệu hai tháng sau mới được cấp lại phù hiệu mới. Tuy nhiên, khi sửa đổi Nghị định 10/2020, nội dung này bị loại ra.

Do không quy định thời gian xin cấp lại sau khi bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu nên doanh nghiệp hôm nay bị thu hồi, ngày mai có thể xin cấp lại. “Quy định tụt lùi so với trước...”, ông Cường nhìn nhận.

Sáng 2/11, trao đổi với PV VietNamNet, Giám đốc một bến xe khách lớn ở Hà Nội cho biết, việc thu hồi phù hiệu hôm nay, mai có thể cấp lại là thực tế cần phải được điều chỉnh sớm.

“Thông thường xe vi phạm chỉ cần đến hoàn thiện hồ sơ nộp phạt là bộ phận luồng tuyến có thể cấp lại phù hiệu.

Thời gian giải quyết  tuỳ thuộc từng địa phương. Nhưng thông thường chỉ trong vòng 2 ngày các phòng Quản lý vận tải các Sở GTVT đã cấp lại sau khi doanh nghiệp, tài xế hoàn tất các thủ tục cần thiết. Rất đơn giản”, vị này thông tin.

Cho xe "nằm" bãi 1 tháng, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm

Để vá “lỗ hổng” này, hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải về ô tô. Trong đó, bộ này đề xuất siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Theo Bộ GTVT, Nghị định 10/2020 có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu. Tuy nhiên, chưa có quy định thời gian thu hồi hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại.

 “Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, một số đơn vị bị thu hồi cố tình không nộp về cơ quan cấp theo đúng quyết định thu hồi nhưng chưa có chế tài để bắt buộc các đơn vị vi phạm phải chấp hành đúng theo quyết định thu hồi…”,  Bộ GTVT cho hay.

Vì thế,  Bộ GTVT đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 22, theo hướng bổ sung quy định về thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký xử phạt, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Sở GTVT không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30-60 ngày (tùy trường hợp thu hồi) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu, biển hiệu.

Các trường hợp quá thời hạn trên, đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT tiếp tục đăng tải quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu, biển hiệu trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng tải, đơn vị kinh doanh vận tải vẫn không nộp, Sở GTVT cập nhật vào chương trình quản lý kiểm định để cảnh báo xe liên quan đến vi phạm bị xử lý thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Ủng hộ hoàn toàn với hướng sửa đổi này, ông Khuất Việt Hùng phân tích: “Nếu như chúng ta quy định thời gian thu hồi phù hiệu, biển hiệu 30 ngày thì xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ xe.  Đây cũng là lời răn đe, cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với tài xế và xe. Tôi cho rằng quy định này cần phải sửa sớm”.