-Trong kỷ nguyên của xã hội thông tin, để thu lượm cho mình được những thông tin tốt, không có cách nào khác là phải có năng lực sàng lọc và thẩm định.

Sáng sớm đến văn phòng, ông bạn đồng nghiệp thông báo: ngài tổng thống xứ nọ bị bắt rồi, ông biết chưa? Có chuyện đó a? Thấy chuyện lạ, tôi mở máy, vào hỏi ngay ông Gúc (Google). Khi gõ cụm từ  cần tìm thì ngay trang đầu tiên cho kết quả bài viết cùng hình ảnh clip ngài tổng thống đang.. đứng đằng sau song sắt.

“Chuộng tin đồn”

Đọc kỹ một số tin bài khác thì ra đó chỉ là một đoạn clip của ai đó đã dựng lên nhằm khêu gợi sự tò mò của độc giả còn tính xác thực của nó thì không ai khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên, những tin đồn theo kiểu “nghe nói” đã được công chúng truyền khẩu như một sự kiện chính trị. Điều này phản ánh phần nào ngưỡng của nền “văn minh tin đồn” nước ta.

Mới tuần trước đây thôi, khi tôi rủ một đồng nghiệp đi xem chọi trâu ở Phúc Thọ, ông này từ chối thẳng thừng và bảo: Tôi không thích trò này vì thấy cảnh giết chóc đẫm máu phi nhân văn! Có chuyện đó a? Trâu chọi sau khi ra khỏi xới đều chả phải giết thịt là gì? Vậy là ông vào lò mổ xem người ta giết trâu chứ đâu phải đến sân vận động!

Là người tham gia một số lễ hội chọi trâu, người viết bài này đã tận mắt chứng kiến những trận đấu sòng phẳng của các ông trâu mà không thấy bất cứ một sự gian lận nào. Xứ Tây Ban Nha nổi tiếng chỉ vì trò đấu bò tót, người Việt chúng ta gắn liền với con trâu và trò chọi trâu. Với các vòng đấu căng thẳng, cân não, chọi trâu còn hấp dẫn hơn đấu bò nhiều, chỉ vì truyền thông chúng ta chưa biết cách làm cho nó hấp dẫn đó thôi.

{keywords}

Dĩ nhiên, khi có chọi trâu, một số thương lái không bỏ lỡ cơ hội đã mổ trâu mang ra bán. Việc bày bán thịt trâu ngay cạnh lễ hội khiến người ta liên tưởng đến việc đó là thịt của… trâu chọi. Tôi đã trực tiếp phỏng vấn một số ông chủ trâu, có trâu tham gia lễ hội được biết: Họ chơi trâu chọi vì đam mê và mỗi ông trâu muốn có thành tích cao, đều phải tham gia cọ xát ở nhiều trận đấu, và trâu 08 tuổi đã có thể tham gia chọi nhưng đạt thành tích cao nhất thường là ở độ tuổi từ 10- 12. Vậy nên, nếu cứ mỗi lễ hội các ông trâu đều vào lò mổ thì sẽ không có những ông trâu chọi hay đến thế để vượt qua cả năm vòng đấu nhằm đạt ngôi “Ngưu vương”.

Quay trở lại chuyện ông bạn, sau khi bị tôi truy vấn đành thú thực là, ông chưa bao giờ đến một lễ hội chọi trâu mà chỉ nghe nói và đôi lần xem bản tin trên… truyền hình. Thậm chí ông cũng chưa vào lò mổ bao giờ mà chỉ tưởng tượng ra cảnh giết mổ ở đâu đó.

Chuyện kể trên không phải là ngoại lệ.

Nhiều người, không phải là dân thường mà có vị trí xã hội hẳn hoi vẫn giữ cách nghĩ như thế từ nhiều năm. Bạn tôi, một doanh nhân từng có hàng chục năm ở châu Âu, khi được hỏi về golf liền phán: “Tôi chơi 20 gậy, từ hồi bên châu Âu”. Sau khi đã cùng nhau ra sân mới thấy, anh chỉ là người nhìn thấy người ta chơi golf trên TV mà chưa hề biết cách cầm gậy, lại càng không hề biết luật lệ của trò chơi này.

Sẽ nhàm chán nếu thiếu vắng tin đồn

Cổ nhân có câu: “Đi qua cổng chùa, nghĩ mình là Phật” để nói lên sự hời hợt trong cách nghĩ và sự ngộ nhận về trình độ hiểu biết của một số người.

Thực tế, để trở thành Phật phải qua một quá trình học hành, tu luyện gian khổ, lâu dài và thông thái nhiều loại kinh phật. Nếu chỉ đi qua cổng chùa thì chỉ nhìn thấy thấp thoáng nhà chùa với những người tu hành tụng kinh mà nghĩ mình là Phật thì  quả là sự ngộ nhận.

Thói quen: “Tôi nghe nói, tôi thấy, tôi xem, tôi chứng kiến…”, để rồi đưa ra kết luận vội vàng đã khiến xã hội ngả nghiêng theo những tin đồn. Mà mới đây nhất là những ồn ào xung quanh bệnh tật của một vị quan chức.

Trở lại chuyện tin đồn, ngay sau khi xuất hiện trước công chúng, ông tổng thống kia đã nói một câu kinh điển: Cuộc sống "sẽ rất nhàm chán nếu thiếu vắng tin đồn". Điều quan trọng là, chúng ta ứng xử thế nào với những tin đồn như thế!

Cổ nhân có câu: “Khẩu thiệt vô bằng” để nói về việc những lời từ miệng lưỡi thế gian không phải là bằng chứng. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của xã hội thông tin. Hơn bao giờ hết, thông tin là vô cùng phong phú và đa dạng. Trong đó có rất nhiều thông tin tốt, có chất lượng nhưng cũng không ít thông tin rác rưởi, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc. Để có thể thu lượm cho mình được những thông tin tốt, không có cách nào khác là phải có năng lực sàng lọc và thẩm định.

Mà, muốn rèn khả năng đó phải không ngừng rèn luyện và suy ngẫm để lựa chọn cho mình những thông tin xác đáng để đứng vững trước làn sóng thông tin, luôn luôn giống những làn sóng bạc đầu ầm ầm chuyển động và che lấp sự thật.

  • Phan Thế Hải