Hàng chục phương tiện đang khuấy đảo biển khơi vùng Baltic. Cách xa bờ hơn, những chiếm hạm khổng lồ - San Antonio của Mỹ, Ocean của Anh và Lublin của Ba Lan - hiện kín đường chân trời. 

TIN BÀI KHÁC:

Trên bờ biển, các vị khách đặc biệt - trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon - đang quan sát.

{keywords}

Binh lính NATO tập trận đổ bộ ở bờ biển Ustka, miền bắc Ba Lan. (Ảnh: Getty)


Những chiếc tàu đổ bộ, đặc biệt là tàu đệm khí "khủng" của Mỹ, trông rất ấn tượng bởi kích cỡ của chúng. Trên bầu trời, các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoons thi nhau gầm rú.

Lính thủy đánh bộ thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng. Một lời nhắc nhở rằng, ngay cả những chiến dịch được hoạch định cẩn thận nhất cũng có thể "đi tong", nếu một tàu vận tải của Ba Lan bị chìm cách bờ chỉ 30m.

{keywords}

Hơn 5.000 lính bộ binh, hải quân và không quân góp mặt trong Baltops. Ảnh: Reuters)

Việc đổ bộ giả định ở Ustka, Ba Lan, ngày 17/6, là cao trào trong cuộc tập trận kéo dài 2 tuần của NATO, có tên gọi Baltops. Tổng cộng 49 tàu hải quân từ 17 quốc gia và 5.900 quân nhân đã tham gia màn phô diễn sức mạnh hoành tráng này.

Đó là một trò chơi nguy hiểm, bởi một trong những căn cứ hải quân quan trọng nhất của Nga, Kaliningrad, nằm cách đó chỉ 160km về phía đông. Và Kremlin có thể nhìn nhận những cuộc tập trận như vậy là khiêu chiến trong bối cảnh căng thẳng liên quan cuộc xung đột Ukraina đang tăng cao.

{keywords}

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại lễ khai mạc Diễn đàn quân sự quốc tế Army-2015 ở Kubinka, bên ngoài Moscow ngày 16/6. Ông tuyên bố Nga sẽ bổ sung 40 tên lửa đạn đạo mới vào kho vũ khí trong năm 2015. (Ảnh: Reuters)

Trong tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố các kế hoạch trang bị thêm 40 tên lửa đạn đạo cho kho vũ khí của nước này. Mỹ - sau hai năm rút hết các loại thiết giáp của mình ra khỏi châu Âu - lại chuẩn bị điều 250 xe tăng, xe bọc tháp và pháo đến các căn cứ tại Đông Âu.

Ngày 17/6, các phóng viên từ khắp thế giới đã được mời tới chứng kiến cuộc tập trận của NATO ở Baltic. Khi được hỏi về Baltops, Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã quả quyết: "Đó hoàn toàn không phải là một trò chơi".   

{keywords}
NATO tập trận đổ bộ ở Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Khi được hỏi liệu có phải là gây hấn khi tổ chức tập trận kiểu này ở sát cạnh Nga, ông trả lời báo the Guardian: "Không phải NATO dọa Nga... Đó là Nga đang trực tiếp tìm cách hăm dọa các thành viên phía đông và phía bắc của NATO thông qua những chuyến bay, thông qua các hoạt động tàu ngầm và tuyên bố thay mới các tên lửa đạn đạo. NATO không dọa ai cả".

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong những ngày gần đây, máy bay Nga liên tục bay sát các tàu chiến của NATO, có lần chỉ cách tàu khu trục USS Jason Dunham chỉ 150m.

Ngày 17/6, các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon ở Estonia đã phải chặn máy bay quân sự của Nga, nâng số vụ chặn như vậy lên 11 kể từ khi chúng được triển khai cách đây 6 tuần. 5 trong số này diễn ra trong 10 ngày qua, khi diễn ra tập trận Baltops.

{keywords}
  Ảnh: Reuters

Một sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, các tàu của Nga cũng "tiến sát một cách gây lo lắng" - ở khoảng cách chưa đầy 1,6km từ đội tàu nhỏ của NATO. Đây là hải phận quốc tế và Nga cũng có quyền như NATO trong việc hiện diện tại đây.

Phản ứng của NATO trước cuộc khủng hoảng của Ukraina đến nay vẫn khá mờ nhạt. Tuy nhiên, khối này đang muốn phát đi một thông điệp tới Nga, rằng các nước Baltic là thành viên của NATO và họ sẽ được bảo vệ.

Quy mô và tần suất tập trận ngày càng tăng của NATO là muốn phát đi thông điệp đó, và Kaliningrad, cửa ngõ ra phía Tây của Nga, là nơi thích hợp để làm điều đó.

Thanh Hảo