DribbleBot được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát triển với mục đích cứu trợ thiên tai ở những địa hình khó khăn, nơi robot bánh xe không thể di chuyển được.

Đây là robot có khả năng thi đấu bóng đá đầu tiên trên thế giới với mọi địa hình như sân cỏ, sân cát, sỏi hay thậm chí là bùn và tuyết.

Robot trí tuệ nhân tạo (AI) này sử dụng kết hợp các cảm biến và camera ở phía trước, đỉnh đầu để xác định vị trí trái bóng và phần chân để điều khiển.

DribbleBot có thể thấy "đối thủ" và sẽ áp dụng giảm tốc độ hoặc đổi hướng đi. Nó cũng có thể cảm nhận được các điều kiện địa hình khác nhau, chẳng hạn như mặt đất có tuyết, thông qua các cảm biến.

Trong đoạn video giới thiệu, DribbleBot cho thấy khả năng rê bóng khá tốt, bật dậy rất nhanh sau khi bị ngã. Nó có thể chơi bóng theo lập trình từ trước hoặc được điều khiển bằng tay. 

Mặc dù có thể không bao giờ ra sân thi đấu, nhưng các kỹ sư hy vọng rằng những robot có chân này sẽ được sử dụng ở những vùng xảy ra thảm họa, nơi có địa hình phức tạp, hoặc giúp con người vận chuyển đồ.

"Các robot hiện tại hầu hết đều di chuyển bằng bánh xe. Nhưng bạn hãy tưởng tượng một kịch bản thảm họa do lũ lụt hoặc động đất và chúng tôi muốn robot hỗ trợ con người trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn", Giáo sư Pulkit Agrawal, Giám đốc Improbable AI Lab của MIT nói. 

Trước đó, nhiều hãng công nghệ cũng đã cho ra đời các mẫu robot chó. Nổi tiếng nhất là Boston Dynamics với robot chó Spot có khả năng vượt qua các địa hình hiểm trở, hoạt động tốt trong điều kiện thời tiết xấu, chở đồ vật hay tự đứng dậy sau khi ngã. Đặc biệt, Spot có khả năng chạy liên tục với tốc độ cao trong thời gian lên tới 90 phút.