Trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội vào sáng 25/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị Chính phủ sớm sửa chính sách về thuế thu nhập cá nhân.

Sớm sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân

Theo bà Mai, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020.

Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh này đã không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

"Hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cho các lĩnh vực đều tăng khiến chi phí sinh hoạt của người dân bị đội lên. Với những người sống tại khu đô thị, chi phí cuộc sống nhiều hơn khi giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hoá dịch vụ đều tăng", bà Mai phân tích.

Bà nói thêm thực tế, các gia đình có con em đi học sẽ phải gánh thêm nhiều chi phí khác. Ước tính chi phí đã tăng 20-30% từ sau dịch do giá cả hàng hoá, tiêu dùng tăng trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm. Vì vậy với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn thì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Nữ đại biểu cho rằng, về bản chất thuế thu nhập cá nhân được coi như công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua điều tiết, giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, việc quy định 7 bậc thuế như hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn. Do đó, khi điều chỉnh số bậc thuế, việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập. 

Từ đó đại biểu đề nghị cần sớm sửa chính sách thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo hỗ trợ người nộp thuế, ổn định đời sống cho người lao động và chính sách thuế bắt kịp kinh tế xã hội.

Sẽ sửa luật trong nhiệm kỳ này

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, thuế thu nhập cá nhân cũng là một trong thuế tác động tới thu nhập, đời sống người dân. Trong tình hình hiện nay cần xem xét tăng mức giảm trừ người phụ thuộc (hiện là 4,4 triệu đồng/tháng).

Còn mức giảm trừ cá nhân đóng thuế 11 triệu đồng có thể chấp nhận vì hiện nhiều người lao động bị mất việc, thu nhập của người lao động khó đạt đến mức đóng thuế.

Theo ông Cường, cơ cấu 7 bậc đóng thuế hiện nay cần xem xét phân bố thu nhập đang nộp thế nào, rơi vào nhóm nào, để khi điều chỉnh phù hợp. Nếu chỉ nhìn đơn thuần các bậc để điều chỉnh, thì đối tượng tác động ít, nguồn thu không tăng lại gây ra yếu tố tâm lý không tốt.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện trong chương trình của Quốc hội có sửa 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Khi sửa luật này sẽ lấy ý kiến của giai tầng xã hội và các tổ chức, cá nhân để sửa phù hợp với tình hình thu nhập thực tế. Sau đó Ban soạn thảo sẽ đưa ra qua nhiều vòng thẩm định. Nhưng luật phải phù hợp với thực tiễn và tạo động lực cho sự phát triển.

Theo ông Phớc, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi. Việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cụ thể như thế nào do Quốc hội quyết định. Lúc đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chuẩn bị nội dung đảm bảo đúng tiến độ.

Chính sách tiền lương mới đang được hoàn thiện

Chính sách tiền lương mới đang được hoàn thiện

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương.