Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh thêm, hai Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an sẽ tiến hành thêm nhiều giải pháp để thắt chặt quản lý phương tiện giao thông, hướng đến làm sao để người tham gia giao thông "không dám" và "không muốn" vi phạm.

Những phát biểu trên thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông vốn là vấn đề khá nhức nhối nhiều năm nay.

Xử lý nồng độ cồn ở những người lái xe là một ví dụ. Trong đợt ra quân kiểm tra và trực tiếp xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các địa phương của Bộ Công an từ ngày 31/8 đến nay, các đoàn kiểm tra và các tổ công tác cùng lực lượng chức năng đã thực hiện đúng nguyên tắc "không có ngoại lệ, không có vùng cấm".

Mỗi người, nhất là quan chức cần phải luôn tự nhắc nhở bản thân “đã uống rượu bia thì không lái xe”. 

Chỉ riêng TP. Hải Phòng, trong 3 ngày 8 -10/9, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông, phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông và Công an một số quận, huyện trên địa bàn đã phát hiện và xử phạt 60 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.

Trong đợt ra quân này, trong số những người bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn khi lái xe ở 3 tỉnh thành, có tới 5 cán bộ, chiến sĩ Công an. Gồm Hà Nội (2 người), Quảng Ninh (2 người), Đà nẵng (1 người).

Đáng nói nhất, trong số tài xế vi phạm nồng độ cồn khi lái xe có cả cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cán bộ cấp sở và cán bộ cao cấp Quân đội. Cụ thể là:

Ngày 14/9, Tổ công tác số 3 của Bộ Công an phối hợp với Đội CSGT - Trật tự Công an TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận phát hiện Bí thư Huyện ủy của một huyện thuộc tỉnh tỉnh này vi phạm nồng độ cồn.

Cũng trong ngày 14/9, tại TP Hải Phòng, tổ công tác của Bộ Công an phát hiện tài xế H.T.V. Chánh văn phòng HĐND thành phố và Đ.Q.M. Chánh văn phòng Sở Ngoại vụ vi phạm nồng độ cồn.

Tại Đà Nẵng, Tổ công tác phát hiện tài xế L.Q.T cấp bậc Thượng tá, công tác tại Quân khu 5, vi phạm nồng độ cồn ở mức 1,229 mg/L khí thở, cao gấp hơn 3 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100.

Tối 16/9, Tổ công tác số 5 của Bộ Công an phối hợp cùng Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, trong số những tài xế vi phạm có Chủ tịch UBND huyện, đồng thời là Trưởng ban An toàn giao thông huyện PL, vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,064 mg/L khí thở.

Là thường dân, khi vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở nhưng vẫn lái xe còn có thể bao biện cách này cách khác. Nhưng cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội; quan chức chính quyền cấp huyện, cấp sở thì không thể có lý do gì để biện minh.

Bởi, do đặc điểm của công việc và cương vị công tác, không chỉ một lần mà hàng chục lần họ được nghe phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật và quy định của cơ quan đơn vị về việc không được uống bia rượu trước khi lái xe.

Không những vậy, trong số những quan chức trên đây, không ít người đã đứng trên bục quán triệt, giảng giải, yêu cầu cấp dưới chấp hành nghiêm quy định về sử dụng rượu, bia. Thậm chí có người là Trưởng ban An toàn giao thông cấp huyện.

Có thể đánh giá, những quan chức; những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội vi phạm quy định về uống rượu bia trước khi lái xe không chỉ coi thường pháp luật mà còn coi thường mạng sống, sức khỏe, danh dự của bản thân; coi thường mạng sống, sức khỏe những người khác.

Hệ quả tai hại là hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có vi phạm về sử dụng rượu bia khi lái xe của một bộ phận cán bộ, đàng viên sẽ tác động xấu tới ý thức chấp hành pháp luật của cấp dưới và của người dân nói chung.

Có thể đánh giá đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng người dân điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vẫn uống rượu bia không giảm như kỳ vọng là do một bộ phận cán bộ, đảng thiếu gương mẫu.

 Vẫn biết trong cuộc sống, nhất là những cuộc tiệc tùng, là đàn ông ít người tránh được sự cám dỗ của hơi men bia rượu. Nhưng đã là quan chức thì cần phải thấy rằng nếu không làm chủ bản thân, để sa đà trong các cuộc rượu không chỉ làm xấu hình ảnh của bản thân mà còn ảnh hưởng xấu tới nhận thức và hành động của cấp dưới.

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản trong tham gia giao thông Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được sửa đổi năm 2019, trong đó tăng hình thức phạt tiền lên nhiều lần, cao nhất đối với người điều khiển xe máy lên đến 8 triệu đồng, đối với người điều khiển ô tô lên đến 40 triệu đồng, đồng thời tùy theo mức độ nồng độ cồn, tước bằng lái xe lâu nhất tới 24 tháng. Đối với những trường hợp gây tai nạn, để lại hậu quả về người và tài sản cho người khác còn bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...

Phải khẳng định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông không chỉ có ý nghĩa quan trọng về giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn có ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn, với mục tiêu định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh; nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân.

Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật trên đây có hiệu lực (từ tháng 1/2020), đã tạo nên bước chuyển biện tích cực về ý thức của cả cộng đồng khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe càng ngày càng giảm, nhưng chưa được như kỳ vọng.

Trước thực tế đó, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền các thành phần dân cư trong cộng đồng, nhất là cán bộ đảng viên, thậm chí cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp sở; cán bộ Công an, Quân đội thông hiểu các quy phạm pháp luật và các quy định cấm vi phạm nồng độ cồn khi sử dụng phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Vì vậy, mỗi người, nhất là quan chức cần phải luôn tự nhắc nhở bản thân “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Bởi, đây không chỉ là khẩu hiệu mà là triết lý sống an toàn, lành mạnh không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và cộng đồng.

Nguyễn Huy Viện