Tấn công lừa đảo người dùng trên không gian mạng Việt Nam và thế giới được các chuyên gia nhận định vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây.

Thông tin với báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 7/9, Bộ Công an cho hay, trong 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên cả nước trong tháng vừa qua, tội phạm lừa đảo qua mạng chiếm gần 55%, với nhiều thủ đoạn như giả mạo các cơ quan, tổ chức thuế, ngân hàng, công an… để gọi điện thoại lừa gạt; giả mạo website các tập đoàn, công ty, thương hiệu lớn để thu hút vốn đầu tư, tuyển dụng nhân sự; lập các trang Facebook có logo của các trường đại học để lừa đảo tiền học phí, lệ phí...

W-website-gia-mao-1-1-1.jpg
Cơ quan nhà nước, các ngân hàng, sàn thương mại điện tử là những đơn vị thường xuyên bị giả mạo website để lừa đảo người dùng. Ảnh minh họa: V.A

Cổng cảnh báo an toàn thông tin mạng tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn do Bộ TT&TT quản lý, vẫn thường xuyên nhận được nhiều phản ánh của người dùng về trường hợp lừa đảo.

Theo thống kê, trong khoảng 4 tuần gần đây, hệ thống đã tiếp nhận gần 2.900 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Dưới đây là 6 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam và quốc tế trong tuần từ ngày 2/9 đến ngày 8/9, vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo tới người dân:

Chiêu trò lừa đảo cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn tài khoản mạng xã hội

Hai đối tượng N.Q.H và N.V.D trú tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) mới đây bị Công an Hải Dương khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, 2 đối tượng đã dùng nhiều tài khoản Facebook để đăng thông tin quảng cáo cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát, đọc tin nhắn tài khoản mạng xã hội của người khác.

Khi có người dùng liên hệ để sử dụng dịch vụ, các đối tượng hướng dẫn họ gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ và cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhận tiền phí dịch vụ.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng chiếm đoạt và chặn các phương thức liên lạc. Với thủ đoạn này, 2 đối tượng đã chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng của nhiều người ở nhiều địa phương.

lua dao online 1 0.jpg

Để tránh trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo mới kể trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo, đọc trộm tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật, người dùng không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc cũng như các dịch vụ có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác.

Người dùng cũng được khuyên rằng, không nên tải và cài đặt các ứng dụng từ những nguồn không chính thức; cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị của người dùng; thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực 2 yếu tố để tăng cường bảo mật.

Giả mạo website của Kho bạc nhà nước để lừa chiếm đoạt tài sản

Gần đây, một số đối tượng xấu đã lập website “kbthuhoivontreo.com” giả mạo cổng thông tin điện tử của Kho bạc nhà nước, có sử dụng logo, giao diện trang chủ và hình ảnh giống website chính thống khiến nhiều người dùng bị nhầm lẫn.

Theo Cục An toàn thông tin, việc kẻ lừa đảo tạo ra các website giả mạo giống trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước đã trở nên khá phổ biến.

Không những thế, các đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các website giả mạo.

Tại trang web giả mạo, đối tượng yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả.

Nếu người dùng thực hiện theo yêu cầu, đối tượng sẽ đánh cắp quyền truy cập vào tài khoản, số điện thoại hoặc thông tin của nạn nhân và tiến hành các chiêu trò lừa đảo.

lua dao online 2 0.jpg

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cẩn trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, người dùng cần luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi; không bấm vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định; chỉ truy cập các website chính thức qua liên kết từ các nguồn đáng tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán nếu không xác minh qua kênh chính thức của cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, người dùng cũng cần kiểm tra và xác minh thông tin qua các kênh chính thức của cơ quan liên quan.

Chiếm đoạt tiền từ chiêu lừa đảo nhận ghi số lô, đề trên mạng xã hội

Cục An toàn thông tin nhận định, hiện nay tình trạng các đối tượng giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết để nhận ghi lô, đề qua mạng xã hội Facebook, Zalo... vẫn xảy ra. Khi khách hàng có nhu cầu mua số, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền mua số. 

Cụ thể, đối tượng tạo lập các Fanpage và hội nhóm ảo trên nền tảng Facebook, sau đó giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết để dụ dỗ người dùng tham gia ghi số lô, đề. Đối tượng có thể hứa hẹn lợi nhuận cao và không có rủi ro, khiến nạn nhân mất cảnh giác.

lua dao online 3 0.jpg

Bên cạnh đó, qua các hội nhóm Facebook, Zalo và Telegram, đối tượng thường sử dụng chiêu trò như “dự đoán số trúng” hoặc “nhà cái uy tín” để thuyết phục nạn nhân.

Ngoài ra, đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước để ghi số. Sau khi nhận tiền, họ sẽ cắt đứt liên lạc hoặc cung cấp kết quả sai lệch để chiếm đoạt tiền.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không tham gia ghi số lô, đề cả trực tiếp hay qua mạng xã hội, bởi việc tham gia ghi số lô, đề là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc có thể bị lừa đảo, người chơi còn đối diện với nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cảnh báo lừa bán hàng giả, kém chất lượng trên mạng xã hội

Trào lưu sưu tầm thú nhồi bông Labubu đang thu hút đông đảo giới trẻ, trở thành món hàng được nhiều người trẻ tìm mua thời gian gần đây.

Thay vì chỉ giao dịch trực tiếp, hiện nay, nhiều cá nhân và tổ chức đã chuyển sang hình thức trực tuyến qua các buổi livestream để bán loại đồ chơi này, gia tăng nguy cơ gian lận và lừa đảo.

Với hình thức lừa đảo trên, đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn tạo tài khoản ảo, làm giả hình ảnh, video về sản phẩm để thu hút người mua.

Các bài đăng thường có nội dung tri ân, giảm giá sốc, khuyến mãi lớn, quà tặng hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi nhận được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng sẽ giả vờ gửi hàng và biến mất ngay khi nhận được tiền. Thậm chí, có trường hợp người bán sử dụng thông tin thẻ tín dụng của khách hàng để chiếm đoạt tiền.

lua dao online 4 0.jpg

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng trước các sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá siêu rẻ trên mạng xã hội. Người dân chỉ nên mua sắm từ nguồn uy tín như các cửa hàng, trang web uy tín; cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của sản phẩm, địa chỉ của cửa hàng hoặc người bán.

Nếu cảm thấy nghi ngờ, người dùng nên tìm kiếm đánh giá từ người dùng khác hoặc thông tin xác nhận từ các nguồn đáng tin cậy. Ngoài ra, người dùng cũng nên chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng và kiểm tra kỹ trước khi thanh toán.