Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, tính đến hết tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 4,75 triệu tấn, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mức tăng trưởng này, Chính phủ Thái Lan tin tưởng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 sẽ đạt 7,5 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu đề ra và giành lại vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới từ Việt Nam.
Theo số liệu xuất khẩu 7 tháng năm 2022, Thái Lan hiện xếp vị trí thứ 2 sau Ấn Độ (11,23 triệu tấn) và vượt Việt Nam (4,25 triệu tấn), Pakistan (2,47 triệu tấn) và Mỹ (1,49 triệu tấn).
Nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu bao gồm đồng Baht giảm giá khiến giá gạo Thái Lan cạnh tranh hơn so với các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Campuchia. Bên cạnh đó, nhu cầu gạo Thái tăng cao đặc biệt là Iraq - thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan trong 7 tháng năm 2022, đạt mức trung bình 100.000 tấn.
Nhóm các thị trường lớn khác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines; xung đột Ukraine-Nga cũng giúp tăng nhu cầu gạo Thái Lan do các quốc gia chuyển từ nhập khẩu lúa mì và ngô sang gạo phục vụ ngành công nghiệp thức ăn gia súc.
Mới đây, động thái cấm xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ được dự báo tạo hiệu ứng đẩy giá gạo toàn cầu lên cao. Việc áp thuế xuất khẩu 20% sẽ không khuyến khích người mua mua hàng từ Ấn Độ và khiến họ chuyển hướng sang các đối thủ khác, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam.
Cuối tháng 8, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan ở mức 416-420 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 7/2022.
Cùng thời điểm, giá gạo 5% tấm Việt Nam giữ ở mức 390-393 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn so với đầu tháng nhưng giảm tới 25 USD/tấn so với tháng trước. 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.