Theo đó, các công xưởng và lăng mộ cổ được các nhà chức trách tiết lộ hôm 27/5 vừa qua được đặt tại một nghĩa địa Pharaoh rộng lớn bên ngoài thủ đô Cairo của Ai Cập.
Mostafa Waziri, tổng thư ký của Hội đồng Cổ vật Tối cao, cho biết những chiếc bình đất sét và các vật dụng khác được sử dụng để ướp xác người và động vật linh thiêng cũng được tìm thấy tại địa điểm ở Saqqara, một phần của thủ đô cổ đại Memphis của Ai Cập.
Ông Waziri chia sẻ thêm trong một cuộc họp báo về Di sản Thế giới của UNESCO: “Chúng tôi đã phát hiện ra cơ sở ướp xác lớn nhất cho cả người và một cho động vật".
Những nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ra nhiều ngôi mộ có niên đại từ triều đại thứ năm cách đây 4.400 năm, được trang trí bằng “khung cảnh sinh hoạt hàng ngày” cùng những hình ảnh về thu hoạch và trồng trọt.
Các xưởng và lăng mộ trên được cho rằng có niên đại từ triều đại pharaon thứ 30 (380 TCN đến 343 TCN) và thời Ptolemaic (305 TCN đến 30 TCN).
Xưởng ướp xác động vật được làm bằng bùn và sàn đá cùng với các công cụ bằng đồng có thể được sử dụng trong quá trình ướp xác. Năm chiếc giường làm bằng đá được phát hiện vẫn còn nằm bên trong căn phòng, nơi được sử dụng để ướp xác những con vật linh thiêng nhất.
Sabri Farag, người đứng đầu khu khảo cổ Saqqara, cho biết một trong những ngôi mộ thuộc về "Ne Hesut Ba", người đứng đầu các nhà ghi chép và tư tế của Horus và Maat trong triều đại thứ năm vào khoảng năm 2400 trước Công nguyên.
Ông cho biết ngôi mộ thứ hai thuộc về một linh mục Qadish tên là “Men Kheber” từ triều đại thứ 18 (khoảng năm 1400 trước Công nguyên).
Những ngôi mộ của 'Vương quốc Cũ' dành cho con người được phát hiện có vẽ tên của người chết và vợ của họ.
Bên trong những ngôi mộ của 'Vương quốc Mới', có niên đại từ những năm 1500 trước Công nguyên, người ta đã phát hiện ra những bức tượng thạch cao của chủ nhân những ngôi mộ vẫn còn nguyên vẹn bên trong, với dòng chữ tượng hình màu xanh lam.
Việc phát hiện ra một bộ bình gốm khác thường hồi tháng 2 tại nghĩa địa Saqqara đã làm sáng tỏ cách người Ai Cập cổ đại ướp xác.
Theo nghiên cứu, dư lượng hóa chất được tìm thấy trong lọ cho phép các nhà nghiên cứu xác định hỗn hợp dầu thơm hoặc chất khử trùng, hắc ín và nhựa cây.
Điều này, phù hợp với chữ viết bên ngoài hộp đựng, đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin chi tiết mới về các vật liệu cụ thể được sử dụng trong quá trình ướp xác, chẳng hạn như nhựa cây dammar và dầu elemi, có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở châu Á và châu Phi.
Trong những năm gần đây, chính phủ Ai Cập liên tục công bố những phát hiện khảo cổ học mới cho giới truyền thông quốc tế và các nhà ngoại giao. Họ hy vọng rằng những khám phá như vậy sẽ giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch đến đất nước này để vực dậy một ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị sau cuộc nổi dậy năm 2011.
Theo NBCNews