Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái có diện tích tự nhiên gần 6.900 km2, là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh có số dân gần 85 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%.
Xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh nội sinh nên những năm qua, Yên Bái luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Tỉnh ưu tiên bố trí trên 12.000 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung vào hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, giáo dục, y tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…
Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên 1.384 tỷ đồng, chiếm 54% tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng cao của tỉnh đã có bước phát triển tích cực, khởi sắc từng ngày.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, đến nay, gần 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Hơn 95% đường từ các thôn, bản đến trung tâm xã được cứng hóa. Trên 97% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia...
Cùng với đó, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư với 8 trường phổ thông dân tộc nội trú, 47 trường phổ thông dân tộc bán trú, 30 trường có học sinh bán trú. Học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú, bán trú đạt 40,7%.
Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên. Yên Bái là tỉnh thứ 24 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và là tỉnh thứ 18 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân vùng cao được cải thiện rõ rệt. Hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm còn 12,9% (giảm 5,15% so với 2021); trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 22,2% (giảm 8,15% so với 2021), vượt mục tiêu đề ra.