Siêu bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp. Tại Hà Nội, Hải Dương… nông dân đau xót nhìn diện tích rau màu của mình bị tàn phá, nhà kính, nhà lưới bị sập hỏng, mất trắng cơ nghiệp tiền tỷ.

Ở Quảng Ninh, nhiều lồng bè thuỷ sản nuôi ở vùng biển hở bị cuốn trôi, các hộ ngư dân thiệt hại từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, tính đến 10h sáng 9/9, có 124.593ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 22.047ha hoa màu bị ngập úng và hư hỏng nặng; 6.887ha cây ăn quả bị hư hại.

Tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương… có trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, thiệt hại 190.131 con gia cầm, trong đó riêng Hải Dương thiệt hại 186.000 con.

nha mang
Hàng nghìn ha diện tích rau màu bị mất trắng sau bão Yagi. Ảnh: TQ

Tại cuộc họp thông tin nhanh của Bộ NN-PTNT về một số giải pháp khắc phục sản xuất nông nghiệp sau cơn bão số 3 Yagi, chiều 9/9, ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thuỷ sản cho biết, 2-3 ngày nữa ngư dân có thể ra khơi khai thác hải sản.

Còn về vùng nuôi trồng thuỷ hải sản, do bão quá lớn càn quét khiến Hải Phòng, Quảng Ninh mất điện diện rộng ảnh hưởng đến nuôi tôm. Ở Cát Bà (Hải Phòng) đến nay vẫn chưa tiếp cận được con số thiệt hại. Trong khi, tại Quảng Ninh các dây hàu nuôi bị đứt hết, vùng nuôi hàu cơ bản hỏng. 

Đặc biệt, lồng nuôi hải sản ở vùng biển hở bị hư hỏng, cuốn trôi gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân, ông Luân thông tin thêm.

Đại diện Cục Thuỷ lợi cho biết, có khoảng 85.000ha lúa đang bị chìm sâu dưới nước, trong đó có lúa chuẩn bị thu hoạch, lúa đã vào đòng… Hiện tất cả các trạm bơm ở các địa phương có diện tích lúa bị ngập úng đều hoạt động hết công suất, thực hiện bơm 24/24 giờ để tiêu nước. Nếu không có mưa lớn thêm nữa, điện được cấp đủ thì trong 1-2 ngày tới có thể cứu được diện tích lúa này của bà con nông dân.

“Hoàn lưu bão còn rất phức tạp, mưa lớn, lũ lớn đang xảy ra ở nhiều tỉnh miền Bắc”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cảnh báo. Theo đó, ông yêu cầu cơ quan chức năng của bộ phải sẵn sàng các kịch bản ứng phó, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.

W-Phung duc tien.png
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo các cơ quan ngành nông nghiệp phải đưa ra các giải pháp khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tâm An

Với 85.000ha lúa ngập úng, ông yêu cầu bằng mọi cách phải cứu khẩn cấp, giảm bớt thiệt hại cho các hộ nông dân. Những diện tích bị mất trắng, ngành trồng trọt nhanh chóng hướng dẫn bà con chuyển đổi sang cây trồng vụ Đông Xuân.

Còn về gần 7.000ha cây ăn quả bị hư hại, Thứ trưởng cho biết, diện tích cây có múi (bưởi, cam, quýt) quả rụng rất nhiều, chuối bị thiệt hại nặng cần xem xét các giải pháp khắc phục, phòng ngừa bệnh. Bởi đây đều là những mặt hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán tới. Diện tích nào không thể khắc phục được thì phải cơ cấu lại cây trồng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, thiệt hại nuôi trồng thuỷ sản ở Quảng Ninh rất nặng nề. Các lồng bè nuôi được làm bằng gỗ, tre nứa bị hỏng nặng, lồng bằng nhựa HDPE cũng bị cuốn trôi. 

“Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức ngay một hội nghị nuôi biển với các địa phương ở miền Bắc bị thiệt hại bởi bão Yagi để khắc phục hậu quả, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản tu sửa, khôi phục hệ thống lồng bè”, ông nói. Bộ cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành để có thể hỗ trợ bà con ngư dân về con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thuỷ sản.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp vào cuộc nhanh chóng, đưa ra các giải pháp thật sự cụ thể để hướng dẫn địa phương, nông dân khắc phục sản xuất nông nghiệp. Bởi, đây không chỉ là sinh kế của hàng chục nghìn hộ nông dân mà còn là nguồn cung lương thực, thực phẩm lớn cho thị trường nội địa và xuất khẩu.