“Hôm nay mình nghỉ bán, chờ bão qua thôi”, chị Vũ Huyền - đầu mối bán nông sản online ở Cầu Giấy (Hà Nội) nói với PV VietNamNet khi bão Yagi đổ bộ. Ngày bình thường, chị Huyền bán cả trăm đơn cho các khách ở Hà Nội đặt mua online. Hàng về, ngoài “shipper ruột”, chị phải đặt thêm shipper trên app giao hàng nhanh để kịp trả hết các đơn.

Hôm qua, lượng đơn khách đặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Song, từ 3h chiều qua chị đã không thể đặt được shipper đi giao hàng. Vào các app giao hàng nhanh mà đều thấy quay như chong chóng, không shipper nào nhận đơn. 

“Bão lớn, mưa gió to ai cũng sợ ra đường nguy hiểm”, chị Huyền ngẫm vậy nên quyết định nghỉ bán hàng online trong những ngày bão Yagi đổ bộ. Chờ bão tan chị mới bắt đầu nhập hàng về và mở bán trở lại.

ban hang online
Một cửa hàng bán trái cây tại Đống Đa thông báo không giao hàng trong ngày bão Yagi đổ bộ. Ảnh chụp màn hình

Chị Phạm Phương Linh – nhân viên chuyên chốt đơn tại một hệ thống cửa hàng nông sản lớn ở Hà Nội chia sẻ, suốt từ chiều qua tới giờ, tin nhắn đầu tiên của chị khi trao đổi với khách là “phải sang ngày 8/9 đơn mới bắt đầu được giao”. Bởi, đến thời điểm này, hệ thống shipper đều tê liệt, không thể giao hàng cho khách trong ngày.

Chị Linh cho biết, cửa hàng bán đều là các loại nông sản tươi. Khách đặt thường được giao hàng luôn trong ngày. Trường hợp đặt vào tối muộn thì sáng hôm sau cửa hàng cũng sẽ giao sớm cho khách.

Thế nhưng buổi chiều hôm qua, cửa hàng phải thông báo dừng giao hàng cho khách vì mưa bão không đảm bảo an toàn cho shipper và cả hàng hoá. Chưa kể, thời tiết này cũng không có shipper nào chịu nhận đơn.

“Các đơn hàng khách đặt muốn nhận vào chiều tối qua đều bị huỷ. Một số mặt hàng không để được qua ngày hôm sau, cửa hàng giảm giá mạnh cho khách đến mua trực tiếp”, chị cho hay. 

Hôm nay, nhân viên như chị chỉ ngồi chốt đơn và hẹn khách bão tan mới giao được hàng. Tính ra, lượng đơn tồn từ chiều qua đến trưa nay đã lên tới cả nghìn đơn hàng. Khách đặt mua cũng được thông báo, đơn sẽ được giao lần lượt theo thời gian khách đặt. 

Trên mạng xã hội, nhiều người bán hàng online cũng đưa ra thông báo tạm nghỉ bán trong những ngày bão Yagi đổ bộ, vì có bán cũng không thể gọi được shipper. 

w sieu thi 1526.png
Dân mua hàng chục khay thịt một lúc, kệ hàng ở siêu thị gần như trống không ngay đầu buổi sáng 7/9. Ảnh: T.H

Dân “vét” hàng ở chợ chung cư

Trái ngược với dân buôn hàng online, hàng ở các siêu thị trong khu chung cư hay chợ chung cư online lại “đắt như tôm tươi”. Dân buôn vừa rao bán, “chớp mắt” một cái đã “cháy hàng”.

Chị Lê Thị Minh ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, 7h sáng vào siêu thị gần nhà đã “không nhìn thấy bóng dáng của những chiếc bánh mì nóng đâu”, quầy hàng này trống không. 

“Chắc nhiều người sợ mưa bão sẽ bị cắt điện nên tích trữ sẵn bánh mì”, chị Minh nói.

Tại siêu thị Aeon Linh Đàm sáng nay (7/9), 9h30' nhà phân phối mới đưa thịt đến. Nhân viên vừa xếp thịt lên kệ hàng thì chỉ ít phút sau gần như toàn bộ số thịt này đã được khách mua hết sạch. Có người mua cả chục khay thịt một lúc.

Quầy hàng rau cũng còn lèo tèo vài ba mớ rau ăn lá, bắp cải… Trong khi ngày thường hàng hoá ở siêu thị này luôn đầy ăm ắp.

W-siêu thị.png
Quầy rau ở trong siêu thị cũng không còn nhiều dù mới đầu giờ sáng. Ảnh: T.H

Tại chợ chung cư online ở Đại Kim (Hoàng Mai), sáng sớm chị Lê Thị Tuyết rao bán thịt ba chỉ bò Mỹ với giá 120.000 đồng/khay 0,5kg. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, toàn bộ 40kg thịt ba chỉ bò Mỹ trong tủ cấp đông của nhà chị được cư dân “vét” hết sạch. 

“Bình thường số hàng này tôi nhập về bán cho cả tuần. Nay bão đổ bộ, cư dân ở nhà ồ ạt đặt mua thịt bò ăn lẩu nhiều nên cháy hàng”, chị nói.

Kinh ngạc hơn, chị rao bán 200 quả trứng gà ta, chỉ vài phút sau đã “cháy hàng”. Tốc độ cư dân chung cư đặt mua còn "nhanh hơn tốc độ xem tin nhắn và trả lời khách". 

Theo chị Tuyết, ngày thường mọi người có thể lựa chọn mua lương thực và thực phẩm ở siêu thị, chợ dân sinh hay đặt mua online ở bên ngoài. Nhưng vào những ngày mưa bão này, cư dân chung cư ngại đi ra đường, đặt online bên ngoài cũng khó vì không có shipper. Còn ở chợ chung cư thì khác, hàng được giao tận cửa nhà mà không phải tốn 1 đồng tiền ship.

Đây cũng là lý do, cư dân tiếp tục “vét sạch” hàng ở các siêu thị trong khu chung cư cũng như ở chợ chung cư online, chị cho hay.