Bộ NN-PTNT chiều 2/10 tổ chức Hội thảo vai trò của hợp tác công - tư trong triển khai đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL".

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đề án trên sẽ áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa. Ngoài ra, đề án còn bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. 

Một số mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao tại ĐBSCL Đến năm 2025 Đến năm 2030
1.Về quy mô
Diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa 300.000 ha 1 triệu ha
Sản lượng lúa tại các vùng chuyên canh 3,8 triệu tấn lúa 13 triệu tấn lúa
2.Về tổ chức lại sản xuất
Liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, HTX hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm 100% 100%
Tỷ lệ cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa (diện tích) Trên 50% Trên 70%
Số hộ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến bền vững Trên 300.000 hộ Trên 1 triệu hộ
3.Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh
Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch Dưới 10% Dưới 8%
Tỷ lệ rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến Trên 70% Trên 100%
Giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống Trên 10% Trên 10%
Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo Ổn định và đạt trên 30% Ổn định và đạt trên 40%
Tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa Trên 40% Trên 50%
Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp trong vùng chuyên canh Trên 20% Trên 20%

Có 12 địa phương, với tổng diện tích 1.015.000 ha lúa, đăng ký tham gia đề án đến năm 2030. Trong đó, năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai trên diện tích khoảng 200.000 ha vùng lúa thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai những năm trước đây. Tới năm 2025, diện tích đạt 500.000 ha; từ 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha.

Về mặt kinh tế, theo ông Tùng, diện tích lúa khi thực hiện đề án sẽ giảm khoảng 20% chi phí sản xuất, tương đương khoảng 9.500 tỷ đồng/năm (với sản lượng 13 triệu tấn lúa năm 2030). Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá lúa bán ra có thể tăng thêm khoảng 10%, thu hơn 7.000 tỷ đồng/năm.

"Với hai yếu tố trên, ngành lúa có thêm 16.000 tỷ đồng/năm, tương đương 500 triệu USD; chưa kể các yếu tố tăng thêm về giá trị trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải. Đề án có tính khả thi", lãnh đạo Cục Trồng trọt nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Trần Thanh Nam cho biết, việc xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL sẽ mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Diện tích 1 triệu ha lúa của đề án liên quan tới 1 triệu nông hộ sản xuất, do đó, phải tổ chức cho nông dân vào các hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp tiêu thụ.

Bộ chủ quản cam kết và đưa ra mục tiêu các hộ nông dân tham gia đề án có lợi nhuận từ 40% trở lên. Số tiền này không chỉ thu từ bán lúa mà thực hiện trong cả chuỗi liên kết, như giảm chi phí, tận dụng sản phẩm phụ phẩm, tăng giá trị hạt gạo với thương hiệu gạo giảm phát thải.

Bộ NN-PTNT mong muốn có sự đồng hành của các doanh nghiệp trong việc tham gia, phối hợp, cùng chia sẻ những rủi ro, lợi nhuận với ngành lúa gạo. Đây không phải là nơi để tìm kiếm lợi nhuận nhiều hơn, mà doanh nghiệp sẽ cùng gánh vác, thực hiện đề án. Đề án cũng không phải là nơi bán lúa giống, trang thiết bị, vật tự nông nghiệp...

Việt Nam có 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo, theo Bộ NN-PTNT, nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp tham gia liên kết, còn 130 doanh nghiệp tự làm theo kiểu "tranh mua, tranh bán" trên thị trường lúa gạo. Do vậy, đề án sẽ tổ chức lại sản xuất.

Mục tiêu lớn nhất là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và nâng cao giá trị hạt gạo. Đây là đề án lớn, đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa giảm phát thải do Bộ NN-PTNT cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện. 

Theo Thứ trưởng Nam, dự kiến tháng 11, Thủ tướng sẽ ký ban hành đề án. 

Ngân hàng Thế giới lo ngại về thủ tục tiếp nhận vốn chậm tại Việt Nam 

Tại hội thảo, một chuyên gia từ WB bày tỏ quan ngại, gần đây, thủ tục tiếp nhận vốn từ WB của Việt Nam bị chậm. Ngay cả dự án đang có, dự án đã chuẩn bị 2-3 năm vẫn gặp phải tình trạng này. Do đó, đối với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NN-PTNT cần làm rõ với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT về cơ chế tiếp cận nguồn vốn vay từ WB để quy trình được nhanh gọn.

Có thể đưa đề án này thành đề án cấp quốc gia, thay vì chia nhỏ thành các tiểu đề án riêng lẻ tại mỗi địa phương ở ĐBSCL. 

"Chỉ cần một đề án quốc gia, Bộ NN-PTNT tiếp cận nguồn vốn từ WB và làm việc với các tỉnh ĐBSCL. Bộ cần đề xuất để Chính phủ tinh gọn quá trình thực hiện tiếp nhận vốn", chuyên gia đề xuất.

Trần Chung